1. Thành tựu mà khu vực kinh tế tư nhân mang lại
Một trong những thành tựu nổi bật mà khu vực kinh tế tư nhân đóng góp là sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 1986 -1990, tăng trưởng kinh tế được duy trì 4,5%; giai đoạn 1991 – 1995 đạt 8,2% và giai đoạn 1997 – 1999 đạt 7,6%. Trong giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng tuy đã chậm hơn nhưng vẫn duy trì ở mức 7,34% và con số này đạt 6,32% trong giai đoạn 2006 -2010. Trong những năm gần đây, tốc độ được duy trì ở mức tăng dần, và xoay quanh con số 7%. Quy mô của nền kinh tế đã tăng gấp 3 lần trong 3 thập kỷ, giúp Việt Nam chuyển từ nước nghèo trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình vào năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch một bước quan trọng từ nông nghiệp sang công nghiệp. [1, tr.29].
Khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, giai đoạn từ 2010 đến 2017, khu vực kinh tế tư nhân chiếm một tỷ lệ khá lớn trong nền kinh tế (xấp xỉ 40%). Cụ thể, năm 2010: 38,97% GDP; năm 2015: 39,21%; năm 2020: 39,19%. So với các khu vực kinh tế khác, kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ lệ cao nhất
Không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân còn đóng góp chính trong việc tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam.
2. Những hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân
Thứ nhất, năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân thấp. Điều này là do, thành phần chủ yếu trong khu vực kinh tế này là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể. Như đã phân tích ở trên, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 39,19% GDP, nhưng trong số đó, có tới 29,54% là kinh tế hộ, chỉ có 9,65% là các doanh nghiệp tư nhân [2, tr.200]. Trong lĩnh vực doanh nghiệp, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là chủ yếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động có tới 98,1% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (thậm chí có doanh nghiệp siêu nhỏ), số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 1,9% [3, tr.22]. Vì vậy, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân thấp.
Thứ hai, hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân chưa cao. Từ năm 2011 đến nay, hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư) của kinh tế tư nhân giao động từ 5-6, mức này cơ bản bằng với hệ số ICOR của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ICOR của kinh tế tư nhân so với khu vực có vốn FDI vẫn cao hơn, cho thấy hiệu quả đầu tư của kinh tế tư nhân trong nước chưa bắt kịp với những doanh nghiệp nước ngoài [4].
Thứ ba, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Khảo sát doanh nghiệp năm 2015 cho thấy, có 22% các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cho biết việc tiếp cận với nguồn tài chính, tín dụng là một trở ngại lớn đối với họ [1, tr.32]. Nguyên nhân lớn nhất là do tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay chính thức vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc, trang thiết bị cơ bản là đi thuê.
Như vậy, với vai trò là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp tích cực trong nền kinh tế quốc dân, giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phần tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại và hạn chế như năng suất lao động thấp; hiệu quả hoạt động chưa cao; việc tiếp cận với nguồn vốn còn hạn chế… Do đó, để phát triển bền vững Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế này.
Hà Thị Yến
Bộ môn KTCT – CNXHKH
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Duy Bình (2018), Kinh tế tư nhân Việt Nam – Năng suất và thịnh vượng http://www.economica.vn/Content/files/PUBL%20%26%20REP/Viet%20Nam%20Private%20Sector%20VIE.pdf].
[2] Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám thống kê 2020, NXB Thống kê, Hà Nội.
[3] Tổng cục Thống kê (2018), Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
[4] T. Anh (2019), Tồn tại và giải pháp cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính điện tử, truy cập ngày 18/07/2019 http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/ton-tai-va-giai-phap-cho-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam-310077.html.