Ngày 8/4, tại Thái Bình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” với chủ đề: “Chuyển giao công nghệ – Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – Khởi nghiệp nông nghiệp”.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một trong 7 vùng kinh tế – xã hội của cả nước. Là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế – xã hội.
Những năm gần đây, các tỉnh trong vùng đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế cho hai Chương trình lớn bao trùm: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các kết quả ghi nhận được đã làm thay đổi hẳn diện mạo toàn vùng.
Tuy nhiên, vùng ĐBSH vẫn có nhiều điểm thiếu bền vững: do mật độ dân số cao, kinh tế phát triển nóng, vùng ĐBSH chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường…
Theo bà Lan, đây là những điểm yếu cho sự phát triển bền vững. Có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này, song nổi lên hai vấn đề lớn cần tập trung tháo gỡ.
Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hai là, ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển. Từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
“Đây chính là nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định, hiện nay chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “đa giá trị”, phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái; vấn đề Chuyển giao công nghệ – Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – Khởi nghiệp nông nghiệp cần quan tâm một số nội dung sau: Phát triển sản phẩm quốc gia, tiếp tục triển khai, nghiên cứu làm chủ công nghệ về giống, quy trình canh tác theo chuỗi giá trị; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất quy mô hàng hóa.
Cùng đó, phải hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; phát triển công nghệ sinh học, triển khai nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học thế hệ mới; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô hàng hóa; nghiên cứu và áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp…
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Với bề dày truyền thống xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình chia sẻ định hướng, kế hoạch của tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp, như đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mạnh sang sản xuất hàng hóa lớn, tạo giá trị mới, thị trường mới; quan tâm, tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn sức khỏe con người, nông nghiệp sinh học, nông nghiệp tuần hoàn để phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa những chủ trương đó, Thái Bình mong muốn qua hội nghị này sẽ tạo nhận thức mới, chỉ ra những nút thắt, khó khăn trong phát triển tam nông, bàn giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nông dân giàu lên từ nông nghiệp, doanh nghiệp đầu tư và phát triển cùng nông nghiệp.
Ông Hải nhấn mạnh, để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững thì nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất đóng vai trò rất quan trọng và tỉnh sẵn sàng hợp tác cùng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hiệu quả…
Viết của bạn không chỉ thông tin, mà còn truyền cảm hứng người đọc hành động.