Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 125 SL ấn định luật lệ bài trừ bệnh truyền nhiễm gia súc. Đây là văn bản Pháp luật đầu tiên của nước ta về công tác Thú y, đánh dấu mốc lịch sử phát triển của Thú y Việt Nam và cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật về thú y hiện nay. Qua quá trình hình thành và phát triển, hệ thống văn bản quản lý nhà nước chuyên ngành cũng ngày càng được hoàn thiện khi Pháp lệnh Thú y được ban hành vào năm 2004 và sự ra đời của Luật thú y năm 2016 đã đánh dấu sự phấn đấu, sự phát triển của một ngành có truyền thống lâu đời như ngành Thú y.
Khoa Thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam có tiền thân là khoa Chăn nuôi thú y, một trong những khoa được thành lập sớm nhất của Trường Đại học Nông Lâm, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trải qua gần 70 năm hình thành và phát triển, sau nhiều lần tách và sáp nhập, đến nay Khoa Thú y ngày càng lớn mạnh với 105 cán bộ. Hiện nay, Khoa Thú y có 2 Giáo sư, 9Phó giáo sư, 45 Tiến sỹ và 35 thạc sỹ. Trên 90% giảng viên của Khoa Thú y được đào tạo Thạc sỹ và/hoặc Tiến sỹ tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hà Quốc, Đức, Bỉ, Australia, Hà Lan, Hungary. Thực hiện phương châm Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học, trong các năm qua, cán bộ khoa Thú y đã tận tụy cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ cùng với sự sáng tạo của mình cho nghiên cứu khoa học, qua đó đóng góp to lớn cho sự lớn mạnh của ngành Thú y nói riêng và Nông nghiệp nói chung.
Năm 2019, các nhà khoa học của Khoa Thú y là những người đầu tiên phát hiện sự có mặt của vi-rút dịch tả lợn Châu Phi tại các trang trại ở Việt Nam, nhờ thế giúp cho các nhà lập pháp, nhà quản lý nhanh chóng có các chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế các thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Qua đóng góp trên, Khoa thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng giao thực hiện các nhiệm vụ khoa học nhằm tìm ra các giải pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Với những nỗ lực vượt bậc của mình, Khoa thú y đã thành công trong việc chế tạo Kit chẩn đoán nhanh và đang gấp rút hoàn thiện các qui trình sản xuất vắc xin nhược độc phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Khoa Thú y cũng đã thành công trong việc thiết kế các kỹ thuật xét nghiệm Dịch tả lợn Châu Phi cho độ nhạy và độ đặc hiệu lên đến 100%. Cũng trong thời gian vừa qua, Khoa Thú y đã thành công trong chọn chủng virus, vi khuẩn cường độc đối với nhiều mầm bệnh gây bệnh Tai xanh, Carê, Đậu dê, Parvo, Dịch tiêu chảy cấp ở lợn (PED), Viêm phổi do Actinobacillus pleuropneumonia (APP), Streptococcus, Glasser, Salmonella để phục vụ sản xuất vắc xin vô hoạt và nhược độc.
Trong lĩnh vực sinh sản động vật, Khoa thú y đã chế tạo thành công sản phẩm từ thảo dược điều trị bệnh viêm tử cung ở bò, vòng tẩm progesterone đặt âm đạo nhằm kiểm soát, quản lý, nâng cao năng suất sinh sản của bò. Trong thời đại mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các nhà khoa học của Khoa Thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam không ngừng trau dồi và phát triển để lĩnh hội, vận dụng thành thục và sáng tạo các kỹ thuật mới của thế giới vào các nghiên cứu của mình. Từ đó, các công trình nghiên cứu mang tính đột phá như chỉnh sửa gen nhằm tạo ra giống bò có tỉ lệ thịt xẻ cao vượt bậc đang được Khoa Thú y thực hiện với các thành công bước đầu. Cùng với đó, các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật nhân bản vô tính, vi tiêm thụ tinh đang được thực hiện thường xuyên tại các phòng thí nghiệm của Khoa Thú y.
Trong thời kì mà các vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh chế biến thực phẩm là mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội thì Khoa Thú y đã có những nghiên cứu nhằm góp phần giải quyết các băn khoăn đó. Khoa Thú y đã thực hiện thành công nhiều nghiên cứu xử lý xác động vật như gia cầm và lợn và góp phần phổ biến các phương pháp này trong sản xuất giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong thời gian bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành tại Việt Nam.Trong những năm qua, các nhà khoa học của Khoa Thú y đã công bố nhiều báo cáo về tình trạng nhiễm vi sinh vật trong các sản phẩm thịt, trứng, sữa, cá ở các chợ, siêu thị nhằm giúp cho xã hội có một cái nhìn chân thực về vấn đề này. Với tình hình sử dụng kháng sinh một cách tràn lan trong chăn nuôi, phòng và điều trị bệnh, tình trạng kháng kháng sinh được các nhà khoa học của Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và công bố thường xuyên. Để đóng góp vào việc hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và kháng kháng sinh, Khoa Thú y cũng đã và đang tập trung nghiên cứu thử nghiệm các phương án thay thế kháng sinh như thảo dược và vi sinh vật có lợi như vi khuẩn, thể thực khuẩn và các sản phẩm trao đổi chất của chúng.
Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều bệnh truyền lây từ động vật sang người gây ra các đại dịch làm thay đổi lịch sử loài người mà gần nhất là Covid-19. Do đó, Khoa Thú y xác định bệnh truyền lây giữa người và động vật là lĩnh vực cần được tập trung nghiên cứu. Trong thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu về kiến thức, hành vi và thái độ của các đối tượng khác nhau đối với bệnh truyền lây giữa người và động vật được các nhà khoa học của Khoa Thú y thực hiện và công bố, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh. Hơn thế nữa, Khoa Thú y đã và đang thực hiện nhiều nghiên cứu trên động vật hoang dã như hổ, gấu, linh trưởng, rùa, tê tê, thằn lằn nhằm phổ biến các thông tin hữu ích cho các bên liên quan góp phần hạn chế nguy cơ truyền lây các bệnh từ động vật hoang dã sang người.
Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm, là nơi có nhiều mầm bệnh mà các nước ôn đới không có. Nhận thấy đây là một cơ hội, Khoa Thú y đã xây dựng các mối quan hệ với các Trường đại học, Viện nghiên cứu tại Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc để tiến hành nghiên cứu một số bệnh bao gồm bệnh lây truyền từ động vật sang người thông qua các vector như ve. Thông qua những nghiên cứu này, Khoa Thú y còn hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh với Viện nghiên cứu Friedrich-Loeffler của Cộng hòa Liên bang Đức.
Trong những năm vừa qua, đứng trước yêu cầu cao của hội nhập quốc tế, Khoa Thú y đã thành lập nhiều nhóm nghiên cứu Mạnh, Xuất sắc, Tinh hoa. Đây là các nhóm tập hợp các nhà khoa học có cùng lĩnh vực nghiên cứu, cùng chia sẻ các ý tưởng và thực hiện các nghiên cứu. Chỉ sau ba năm thực hiện, các nhóm nghiên cứu của Khoa Thú y đã xuất bản hơn 120 bài báo trên các tạp chí trong hệ thống ISI/Scopus. Điều đáng mừng là có đến trên 90% bài báo công bố kết quả của các nghiên cứu được thực hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thể hiện một nguồn nội lực khoa học vô cùng mạnh mẽ của Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bê sinh đôi từ công nghệ cấy truyền phôi kết hợp thụ tinh nhân tạo
Với nguồn lực dồi dào, chất lượng cao, yêu nghề, tận tụy và đam mê nghiên cứu khoa học, cùng với cơ sở, trang thiết bị hiện đại, Khoa Thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của khoa học nước nhà. Những đóng góp đó không chỉ dừng lại ở việc đào tạo ra các thế hệ sinh viên vững lý thuyết giỏi thực hành, mà còn sáng tạo ra tri thức mới, phương pháp mới, kỹ thuật mới, sản phẩm khoa học mới để giải quyết các vấn đề của ngành Thú y nói riêng và Nông nghiệp nói chung.
Vắc xin phòng bệnh Ca rê trên chó
Vắc xin phòng Hội chứng rối loạn hô hấp