Tháng 8/2022, nghệ sĩ piano Trang Trịnh đặt chân tới Mỹ, trở thành người Việt đầu tiên nhận học bổng Fulbright ngành Lãnh đạo nghệ thuật.
Theo nghệ sĩ sinh năm 1986, cô được trao cơ hội học thạc sĩ Lãnh đạo nghệ thuật tại Đại học Nam California là bởi có “một câu chuyện minh bạch, chân thành” và “cam kết cống hiến cho cộng đồng”.
Trang đã kể cho những người xét tuyển học bổng câu chuyện về mình, về việc cô không thể nói lời tạm biệt khi bà cô mất trong giai đoạn đỉnh điểm dịch bệnh Covid-19. Từ sự chia cắt và im lặng đáng sợ của đại dịch, Trang Trịnh đã mang âm nhạc đến phá vỡ bầu không khí đó qua dự án “24 Hour Music Marathon”. Cô mời các nghệ sĩ trên thế giới biểu diễn ở từng múi giờ, liên tục trong 24 tiếng.
“Không có một múi giờ nào mà không có một nghệ sĩ đang chơi nhạc online. Dự án đó như một cái ôm dành cho cộng đồng”, cô chia sẻ.
Tổng cộng hơn 120 nghệ sĩ và hàng nghìn người trên thế giới đã tham gia dự án online với nhiều nhạc cụ khác nhau như đàn hạc, guitar, piano, violin.
Cam kết đóng góp cho cộng đồng qua âm nhạc cũng được thể hiện xuyên suốt trong hành trình của Trang Trịnh. Bắt đầu làm quen với âm nhạc từ năm 4 tuổi, lên 7 tuổi Trang Trịnh học piano tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Sau đó, cô theo học hai giáo sư nổi tiếng về piano tại Anh là Christopher Elton và Hilary Coates.
Năm 2004, nhìn thấy tài năng cùng tình yêu âm nhạc mạnh mẽ của nữ sinh Hà Nội, nên dù kỳ thi tuyển đã qua, hai giáo sư đã thuyết phục Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh tổ chức lại hội đồng chấm thi dành riêng cho Trang Trịnh. Hội đồng đồng ý và Trang Trịnh trúng tuyển, được cấp học bổng Sterndale Bennett, mang tên nhạc sĩ nổi tiếng người Anh ở thế kỷ 19.
Sáu năm sau, Trang Trịnh bảo vệ xuất sắc bằng thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh và thực hiện chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên với các buổi biểu diễn độc tấu tại Vienna, Dublin, Belfast, Enns, London.
Tuy có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài, năm 2011 nữ nghệ sĩ chọn trở về quê hương với mong muốn mang âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng Việt Nam. Từ 2013 đến 2020, Trang Trịnh sáng lập và điều hành dự án “Dàn hợp xướng và Giao hưởng kỳ diệu”, dạy âm nhạc miễn phí cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội. Cô cũng là một trong những tác giả viết sách giáo khoa âm nhạc cấp tiểu học.
Năm 2021, Trang Trịnh trở thành giám đốc điều hành Học viện Âm nhạc VYMI (Vietnam Youth Music Institute) để thiết lập các chương trình giáo dục sâu rộng cho cộng đồng, hợp tác với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và thành lập Dàn nhạc giao hưởng trẻ quốc tế đầu tiên tại Việt Nam (Vietnam Youth Orchestra).
Trang Trịnh tâm sự khi trải nghiệm thực tế tiếp cận công chúng Việt, cô nhận thấy “sự cần thiết của một bức tranh tổng thể hơn”. Trang tự thấy cần có thêm tư duy chiến lược về lãnh đạo và quản lý.
“Cách đây một thập kỷ khi mới về nước, tôi nhận ra chúng ta có nhiều nghệ sĩ tài năng nhưng hoạt động khá đơn lẻ. Tôi muốn góp phần tạo nên không gian để họ kết nối, tạo ra những sáng tạo mới khi tương tác với nhau, để có thể cống hiến nhiều hơn”, cô nói.
Với suy nghĩ ấy, cô đã đăng ký ứng tuyển học bổng Fulbright, để trở thành người lãnh đạo, có thể tạo tác động lớn hơn đến cộng đồng thông qua xây dựng nền tảng, không gian cho nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam.
Giáo sư Christopher Elton tại Học viện Hoàng gia Anh nhận xét Trang Trịnh “luôn có nghị lực không mệt mỏi và một tầm nhìn phi thường về những gì cô ấy muốn làm với cuộc đời mình, thông qua âm nhạc”. Điều ông ấn tượng ở Trang Trịnh là sự chủ động, sáng tạo và “quyết tâm sử dụng kỹ năng âm nhạc của mình để giúp đỡ người khác, khơi dậy giá trị âm nhạc trong cộng đồng hơn là việc quảng bá bản thân như một nghệ sĩ biểu diễn”.
Sau khi học xong thạc sĩ Lãnh đạo nghệ thuật, Trang Trịnh mong muốn được tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam và tạo ảnh hưởng tích cực tới xã hội thông qua nghệ thuật.