Sáng 22/02/2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội thảo tham vấn chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, với mục đích cung cấp thêm luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững và ổn định chính trị.
Chính vì vậy, Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 05/8/2008) đã nêu rõ “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho rằng, đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta còn nhiều vấn đề cần đang đặt ra, nhất là trong bối cảnh chung mới của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế – chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược mang tầm vĩ mô để phát triển bền vững.
Đổi mới chính sách đất đai
Đổi mới chính sách đất đai để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những kiến nghị của nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi đến hội thảo.
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Trần Trọng Phương – Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trình bày tham luận với chủ đề “Đổi mới chính sách đất đai để thực hiện thắng lợi Chương trình tam nông giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045”.
Theo PGS.TS Trần Trọng Phương, chính sách đất đai được từng bước hoàn thiện góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Chính sách giao đất nông nghiệp trong hạn mức không phải nộp tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã giúp người sản xuất bớt gánh nặng tài chính.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ những điểm bất cập trong chính sách đất đai hiện nay như giá bồi thường về đất thấp hơn giá đất thị trường, trong khi doanh nghiệp sau khi đầu tư hạ tầng thì gia đất lại tăng lên rất nhiều lần.
Góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp hay thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với doanh nghiệp hay hộ gia đình khác còn khó thực hiện do một số đối tượng không nhất trí về giá đất hay rủi ro khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
“Đáng nói là, tình trạng đất nông nghiệp tại nhiều địa phương bị bỏ hoang gây lãng phí tiềm năng đất đai. Năm 2017, tỉnh Hà Nam chỉ có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa năm 2019 có hơn 1.000 ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ đông năm 2019 của tỉnh này giảm tới 6.000 ha. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có hơn 110 ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Thái Bình có hơn 1.200 ha ruộng bị bỏ hoang” – ông Phương nêu ví dụ.
Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số chính sách đất đai để phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn như khi lập quy hoạch phải tính hiệu quả sử dụng đất để lựa chọn phương án có hiệu quả cao nhất, thuận lợi cho áp dụng cơ khí hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, phải nâng cao chất lượng quy hoạch, dự báo đúng nhu cầu chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp.
“Để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đổi mới chính sách đất đai theo hướng bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; áp dụng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp ổn định lâu dài; hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và bồi thường; tập trung đất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong chấp hành pháp luật về đất đai…” – PGS.TS Trần Trọng Phương kiến nghị.
Xây dựng người nông dân thông minh
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng người nông dân văn minh cũng là chủ đề được thảo luận tại Hội thảo.
Trình bày tham luận “Xu hướng biến đổi giai tầng xã hội nông thôn và việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng người nông dân văn minh”, TS. Dương Nam Hà, Giảng viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, kết quả nghiên cứu đã khẳng định việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi như là yếu tố nội lực quan trọng nhất quyết định sự chuyển dịch cơ cấu giai tầng xã hội nông thôn theo xu hướng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hỗ trợ nông dân như giải pháp về hướng nghiệp và đào tạo kiến thức kinh tế-kĩ thuật-đạo đức nghề nghiệp và kĩ năng tay nghề cho lao động nông thôn; giải pháp về phát triển hạ tầng khoa học công nghệ, truyền thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân nông thôn.
Ban hành bổ sung và hiệu lực hóa việc thực thi các chính sách cụ thể về nông nghiệp – nông thôn – nông dân nhằm tạo điều kiện cho việc tăng cường vai trò chủ thể chính của người nông dân;
Tăng cường tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, đào tạo nghề nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp/đạo đức nghề nghiệp phục sản xuất và xây dựng đời sống nông thôn mới kiểu mẫu cho người nông dân…
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong giai đoạn tới, các chính sách nên tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, đặc biệt là hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất, tiếp cận khoa học công nghệ, an sinh xã hội.
“Ví dụ, người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì chính sách hỗ trợ như thế nào, chuyển đổi nghề phi nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn thì đòi hỏi chính sách ra sao? Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ kinh tế nông nghiệp còn thiếu” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Để tháo gỡ nút thắt về đất đai, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần hình thành thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp một cách minh bạch.
“Nên chăng nên thành lập trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp để nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có thể trao đổi, chuyển nhượng” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý.
Sau khi nghe các ý kiến tham luận, phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Cao Đức Phát – Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Thể chế nông nghiệp khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Các bài tham luận, ý kiến đóng góp sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và có báo cáo đề xuất đến các các cơ quan liên quan.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước là Đại học Nông nghiệp I) là trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, đa ngành, đóng tại Gia Lâm, Hà Nội.
Năm 2022, Học viện tuyển sinh 48 ngành, gồm 74 chuyên ngành đào tạo. Trong đó đã có 06 ngành được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế AUN.
03 phương thức xét tuyển được Học viện áp dụng trong năm 2022 là:
Xét tuyển thẳng: Đối với thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2022 trở về trước; Tiêu chí xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và theo Đề án tuyển sinh năm 2022 của Học viện; Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 08/02/2022 (đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2021 trở về trước).
Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ): Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển: Đợt 1 (01/03 – 29/04/2022); Đợt 2 (05/05 – 15/06/2022).
Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Thời gian xét tuyển theo quy định, lịch trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo Đề án tuyển sinh năm 2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Để được tư vấn đầy đủ về thông tin tuyển sinh năm 2022, xin liên hệ với số điện thoại: 024.6261.7578/ 024.6261.7520 hoặc 0961.926.639/0961.926.939
Địa chỉ liên hệ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TT. Trâu Quỳ, H. Gia Lâm, TP. Hà Nội
Website: www.vnua.edu.vn; http://tuyensinh.vnua.edu.vn. Facebook: www.facebook.com/hocviennongnghiep