GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, giai đoạn 2020 – 2022, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và kinh phí đề tài của Học viện tăng lần lượt 18% và 26% so với 2019. Đặc biệt, các công bố quốc tế tăng 26% so với năm 2019.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức “Ngày Hội khoa học công nghệ VNUA – 2023”. Đây là sự kiện tổng kết của chuỗi hoạt động trong “Tháng khoa học công nghệ VNUA 2023”.
Ngày hội gồm 3 hoạt động chính: “Hội nghị khoa học và công nghệ của cán bộ”, “Triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên” và “Hội nghị học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học”.
Chia sẻ tại sự kiện này, GS.TS. Nguyễn Thị Lancho biết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của Học viện.
“Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút các nguồn lực, duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn uy tín và thương hiệu Học viện”.
Trong 5 năm gần đây, Học viện đã có 59 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia. Trong đó gồm: 26 giống cây trồng; 11 tiến bộ kỹ thuật; 22 giải pháp hữu ích/bằng độc quyền sáng chế. Nhiều sản phẩm và công nghệ đã được áp dụng thực tiễn và đóng góp cho phát triển kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Học viện còn có nhiều nghiên cứu, đề xuất về công tác quản lý của Bộ, ngành như: Nghiên cứu phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu về Toàn cảnh hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam năm 2022, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp; Xây dựng Báo cáo thường niên về nông nghiệp và phát triển nông thôn…
“Đặc biệt trong giai đoạn 2020 – 2022, hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện đã đạt được thành tích đáng khích lệ”, GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho biết.
Cụ thể, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và kinh phí thực hiện đề tài tăng lần lượt 18% và 26% so với 2019).
Số lượng các tiến bộ kỹ thuật, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích tăng mạnh. Trong đó, các công bố quốc tế tăng 26%, riêng các tạp chí WoS/Scopus tăng 41% so với năm 2019.
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, ngoài việc tăng cường công bố quốc tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chú trọng nghiên cứu tạo ra các công nghệ và các sản phẩm mới, có tính ứng dụng cao, phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp – phát triển nông thôn, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao.
“Học viện hiện có 6 phòng thí ISO có thể xét nghiệm hơn 700 chỉ tiêu phân tích (về thú y, chăn nuôi, môi trường, đất,…), 82 mô hình khoa học công nghệ, 2 Bệnh viện nông nghiệp là Bệnh viện Thú y, và Bệnh viện cây trồng). Đây là nguồn lực quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu của Học viện và hội nhập quốc tế của ngành nông nghiệp nói chung, của Học viện nói riêng”, GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho biết.
Cũng trong năm học vừa qua, Học viện đã tổ chức thành công 5 Hội nghị lớn với chủ đề “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” tại các Hà Nội, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Giang với với hơn 1.600 lượt người tham dự trực tiếp và trên 5.000 người tham dự online của 22 tỉnh thành miền Bắc và Bắc Miền Trung.
“Đây là chuỗi sự kiện quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Học viện cũng như việc sẵn sàng nhận trách nhiệm xã hội của Học viện với các địa phương”, GS.TS. Nguyễn Thị Lan chia sẻ.