Bệnh nhiệt thán là gì?
Bệnh nhiệt thán hay còn có tên gọi khác là bệnh Anthrax sảy ra cấp tính hoặc quá cấp tính trên trâu bò, đây là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây sốt cao ở hầu hết các loại động vật máu nóng. Bệnh này có đặc điểm nhiễm trùng máu, bại huyết gây ra cái chết cho con vật rất nhanh. Hiện nay bệnh nhiệt thán có thể lây lan cho nhiều loài động vật khác nhau gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ gia đình chăn nuôi.
1. Nguyên nhân
Bệnh do loài trực khuẩn có tên Bacillus Anthracis gây ra. Vi khuẩn có sức đề kháng kém: Ở 55° C, chịu được 55 phút, 60° C được 15 phút, 100° C chết ngay. Ánh sáng mặt trời diệt vi khuẩn sau 10 giờ, trong bóng tối vi khuẩn sống được 2 – 3 tuần. Trong xác chết vi khuẩn tồn tại 2 – 3 ngày. Các chất sát trùng diệt vi khuẩn nhanh chóng. Nha bào của vi khuẩn có sức đề kháng mạnh. Vi khuẩn sau khi sinh nha bào tồn tại được 20 – 30 năm trong đất; trong phân gia súc bệnh nha bào tồn tại 15 tháng. Các chất sát trùng phải pha đặc và tác động thời gian lâu mới diệt được nha bào.
Bệnh gây chết trên nhiều gia súc, lây nhiễm và gây chết cho người dân do tự ý mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng tập trung vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều (tháng 7, 8, 9).
Vi khuẩn hoặc nha bào có thể xâm nhập vào cơ thể động vật qua đường tiêu hóa (vi khuẩn hoặc nha bào theo thức ăn, nước uống vào cơ thể mà gây bệnh. Đây là đường truyền bệnh chủ yếu. Sau khi vào ruột, nha bào sẽ nở thành vi khuẩn); qua đường da (vi khuẩn hoặc nha bào có thể xâm nhập qua vết xây xát ở da. Bệnh lây kiểu này rất phổ biến ở những người mổ thịt trâu, bò, ngựa mắc bệnh nhiệt thán); qua đường hô hấp (gia súc có thể hít phải nha bào, vi khuẩn có trong bụi rậm phát tán trong không khí). Bệnh lây truyền từ vùng có dịch nhiệt thán sang vùng khác chủ yếu do người đưa gia súc mắc bệnh hoặc phát tán các sản phẩm gia súc có mầm bệnh. Bệnh hay xảy ra ở các xã miền núi phía Bắc, nơi đã có bệnh nhiệt thán phát sinh từ nhiều năm trước, do nha bào vẫn tồn tại trong đất.
2. Triệu chứng
Bệnh xảy ra mọi lứa tuổi của gia súc, thời gian ủ bệnh khoảng 1 – 2 tuần, với triệu chứng biểu hiện qua các thể sau:
– Thể quá cấp tính: xảy ra ở thời gian đầu. Bệnh xảy ra nhanh, gia súc đột ngột run rẩy, hai bên má hơi sưng, khó thở, bỏ ăn và đổ mồ hôi, niêm mạc đỏ ứng hoặc tím bầm. Gia súc nhiễm bệnh sốt cao 40,5 – 42,5ºC, nghiến răng lè lưỡi, mắt đỏ, co giật, mê man, quỵ xuống. Ở âm hộ hay hậu môn có thể chảy máu, chết nhanh.
– Thể cấp tính: Diễn biến bệnh khoảng 24 – 48 giờ với triệu chứng sốt cao 40 – 42ºC. Gia súc mệt mỏi, thở khó và nhanh, niêm mạc đỏ thẫm, tiêu chảy hoặc kiết, phân đen có lẫn máu, nước tiểu có máu. Xung huyết và xuất huyết niêm mạc bên ngoài, mồm mũi có bọt hồng lẫn máu, hầu, ngực bị sưng. Ở bò sữa có sự giảm sữa đột ngột. Trâu bò mang thai có thể bị sẩy, chết và máu chảy ra từ các lỗ tự nhiên. Tỷ lệ chết khoảng 80%.
– Thể bán cấp tính: Bệnh tiến triển chậm hơn, gia súc sốt, ăn ít, những chỗ da mỏng sưng lên, niêm mạc mắt mũi, hậu môn đỏ, chảy máu mũi và mắt là triệu chứng duy nhất trước khi chết khoảng 2 – 3 ngày.
– Thể ngoài da: Xuất huyết ở cổ. Ngực sưng và phù cục bộ, ban đầu đau, ung thối, sau thành mụn loét đỏ chảy nước màu vàng đỏ.
3. Bệnh tích
Trâu, bò chết do bệnh nhiệt thán bụng trương to rất nhanh, xác chóng thối. Tất cả các lỗ tự nhiên chảy máu tươi, máu đen đặc và khó đông. Các hạch lympho đều tụ máu, màu tím sẫm, sưng to, nhất là hạch hầu, hạch trước vai và hạch đùi. Tổ chức liên kết dưới da tụ máu, thịt tím tái, có thấm máu và tương dịch. Phổi tụ máu nặng, có màu đen. Khí quản có máu lẫn bọt. Lá lách sưng to gấp 2 – 4 lần, tím sẫm, tổ chức lách nát nhũn như bùn.
4. Cách phòng và trị bệnh
Hiện nay ở Việt Nam khi gia súc mắc bệnh nhiệt thán ở thể nặng hầu như không có cách chữa trị cho con vật khỏi bệnh nên cần phải chú ý trong khâu phòng bệnh để tránh ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình.
– Khi phát hiện gia súc bị bệnh Nhiệt Thán thì phải thông báo tới cơ quan thú y để công bố dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, cách ly những con gia súc bị bệnh ra khỏi đàn, khi gia súc bị bệnh tuyệt đối không được mổ thịt và vận chuyển con vật qua nơi khác để tiêu thụ.
– Để phòng bệnh hiệu quả bà con phải tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng 1 trong các loại thuốc sát trùng đặc trị như: BIOKON, BIOXIDE.
– Những chuồng gia súc của gia đình nào bị nhiễm bệnh cần phải đốt hết rơm, phân gia súc và tiêu độc chuồng trại thật kỹ, nạo sạch lớp đất trên cùng đem chôn tiêu độc kỹ. Xác gia súc chết phải đem thiêu ở hố chôn và tro phải chôn sâu. Tuyệt đối không được mổ khám xác gia súc bị bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan.
– Bệnh nhiệt thán có thể lây lan sang cả con người nên những người không có trách nhiệm không được tiếp xúc với chuồng nuôi bị nhiễm bệnh, không được ăn thịt súc vật bị bệnh… nếu người đã tiếp xúc với gia súc bị bệnh phải sát trùng thật kỹ để tránh mang mầm bệnh ra bên ngoài.
– Có thể dùng vắc-xin để phòng bệnh cho gia súc, tốt nhất ở những vùng dịch hoặc những vùng đang có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh.
+ Dùng vắc-xin nha bào nhiệt thán Pasteur để tiêm cho gia súc, sau thời gian 15 ngày vắc-xin này sẽ giúp cho gia súc có khả năng miễn dịch và thời gian hiệu lực kéo dài hơn 1 năm.
+ Dùng vắc-xin nhược độc nha bào nhiệt thán để tiêm cho gia súc ở những vùng có dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Một số điều cần chú ý khi tiêm vắc-xin cho gia súc
– Tiêm vắc-xin cũng có nhiều trường hợp khiến cho gia súc bị dị ứng, nếu như gia súc bị dị ứng nặng thì bà con nên can thiệp bằng cách tiêm thêm kháng huyết thanh hoặc thuốc kháng sinh.
– Khi bà con sử dụng vắc-xin nên tránh tình trạng thuốc bị rơi vãi, nếu thuốc sử dụng không hết không nên giữ lại mà phải đem đi tiêu hủy.
– Vắc-xin chỉ tiêm khi những con gia súc trong chuồng nuôi khỏe mạnh, đối với những con gia súc đang bị sốt hay có dấu hiệu mắc bệnh thì bà con không được tiêm vắc-xin cho chúng.
– Điều trị gia súc mắc bệnh bằng huyết thanh và kháng sinh, việc điều trị chỉ đạt hiệu quả tốt khi mới phát hiện bệnh.
– Đối với những con gia súc mắc bệnh, tốt nhất bà con phải cách ly chúng ra khỏi đàn càng sớm càng tốt.
– Tiến hành tiêu độc và tiêu hủy những con gia súc bị bệnh nặng.
– Vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ theo hướng dẫn của cơ quan thú y để tránh mầm bệnh lây lan.
cl cc