Giới thiệu: Thời gian đẻ của lợn nái ảnh hưởng tới tỉ lệ chết lưu, viêm tử cung của lợn mẹ và sức khỏe của lợn con theo mẹ.
Mục đích: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của lứa đẻ, thời gian mang thai, số con sơ sinh/ổ và khối lượng sơ sinh của lợn con đối với thời gian đẻ của lợn nái. Thời gian đẻ của lợn nái ≥5h được coi là thời gian đẻ dài.
Phương pháp: Nghiên cứu được thực hiện trên 981 lợn nái nuôi tại 17 trại ở 6 tỉnh miền Bắc Việt Nam. Phương pháp hồi qui logistic đơn biến được dùng để tìm hiểu sự ảnh hưởng của từng yếu tố đối với TGĐ. Các yếu tố có ảnh hưởng tới thời gian đẻ với mức P<0,1 được đưa vào mô hình hồi qui logistic đa biến để phân tích sự ảnh hưởng của chúng đối với thời gian đẻ.
Kết quả: Kết quả phân tích hồi qui logistic đơn biến cho thấy tất cả 4 yếu tố: lứa đẻ, thời gian mang thai, số con sơ sinh/ổ và khối lượng sơ sinh của lợn con đều ảnh hưởng tới thời gian đẻ của lợn nái (P<0,05). Tuy nhiên, phân tích hồi qui đa biến cho thấy sự ảnh hưởng của lứa đẻ đối với thời gian đẻ ở lợn nái không rõ rệt (P>0,05). Lợn nái có thời gian mang thai 113-115 ngày có nguy cơ kéo dài thời gian đẻ hơn 2,4 lần so với lợn nái mang thai >115 ngày (P=0,004). Lợn nái đẻ 12-15 con có thời gian đẻ ngắn hơn so với lợn nái đẻ >15 con (OR=0,38, P=0,001. Nái có đàn con với khối lượng sơ sinh trung bình >1,7kg có thời gian đẻ ngắn hơn so với nái có đàn con với khối lượng sơ sinh <1,3kg (OR=0,32, P=0,003).
Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy thời gian đẻ của lợn nái chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời gian mang thai, số con sơ sinh/ổ và khối lượng sơ sinh của lợn con.
Từ khóa: Lợn nái, thời gian đẻ, yếu tố ảnh hưởng
Đường link bài báo: https://www.researchgate.net/publication/331638083_Factors_associated_with_prolonged_farrowing_duration_in_sows
Nguyễn Hoài Nam
Khoa Thú y