TỔNG HỢP BIỆN PHÁP CAN THIỆP VÀO ĐÀN GIA CẦM, THỦY CẦM BỊ MẮC BỆNH DO VIRUS

  1. Nguyên tắc can thiệp dịch

Trong quá trình điều trị bệnh do virus, có một số nguyên tắc can thiệp dịch cần hiểu rõ và được áp dụng đầy đủ. Nếu nhìn nhận các bệnh do virus gây ra ở gia cầm như những ổ dịch truyền nhiễm, thì ổ dịch đó gồm có 3 khâu là: (1) Nguồn bệnh – Những động vật mắc bệnh, mang trùng; (2) Nhân tố trung gian – Đóng vai trò lưu cữu và làm lây lan bệnh và (3) Động vật cảm thụ – Là động vật mắc bệnh và trở thành nguồn bệnh mới sau khi mắc.

Nhiều bác sĩ thú y quá tập trung vào việc điều trị nguồn bệnh mà không để ý rằng việc dập tắt một ổ dịch còn có những biện pháp khác như xử lý đối với nhân tố trung gian, động vật cảm thụ, làm cắt đứt sự kết nối giữa các khâu của quá trình sinh dịch. Tóm lại, một số biện pháp cơ bản nên được thực hiện đồng thời đối với các khâu gồm có (1) Điều trị đối với nguồn bệnh; (2) Tiêu độc khử trùng đối với nhân tố trung gian và (3) Tiêm phòng (vacxin hoặc kháng thể) đối với động vật cảm thụ.

  1. Một số giải pháp cụ thể

Cho đến nay, những nhà khoa học Việt Nam vẫn đang tiến hành nghiên cứu chế tạo vacxin và kháng thể để phòng những bệnh virus gây ra ở gia cầm. Cùng với đó, một số doanh nghiệp cũng hướng tới việc nhập khẩu các dòng sản phẩm phục vụ cho công tác phòng chống bệnh. Bảng 1 thông tin cập nhật về sự lưu hành của một số dòng sản phẩm trong phòng chống 06 bệnh virus gây ra ở gia cầm mới được phát hiện tại Việt Nam.

Bảng 1. Tổng hợp các loại vacxin và kháng thể lưu hành phòng chống 06 bệnh virus mới được phát hiện ở gia cầm tại Việt Nam

STT Tên bệnh Vacxin Kháng thể
1 Bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà – Nobilis CAV P4

– AviPro Thymovac

Chưa có
2 Hội chứng sưng phù đầu do aMPV gây ra – Hipraviar-TRT

– Hipraviar SHS

– Nemovac

– Gallimune 407 ND+ IB+ EDS+ ART

Chưa có
3 Bệnh viêm thận gà Chưa có Chưa có
4 Bệnh do Adenovirus ở gia cầm Nobilis ND + EDS 0,25; Nobilis ND + EDS 0,5; Nobilis G + ND + EDS; Nobilis IB + ND + EDS; Nobilis EDS (Intervet); Medivac ND-EDS Emulsion, Medivac ND-EDS-IB Emulsion (P.T. Medion); BAK-ND+EDS (Bestar Laboratories); Gallimune 302 ND + IB + EDS; Newvaxidrop; Gallimune 407 ND + IB + EDS + ART (Merial); Cevac ND IB EDS K, Cevac ND EDS K, Cevac ND IB IBD EDS K (Cevasante Animale) Chưa có
5 Bệnh do virus Tembusu gây ra trên vịt Vacxin Tembusu vô hoạt (chủng Tembusu-HB) và Vắc xin Tembusu nhược độc (chủng FX2010-180P) Chưa có
6 Bệnh do Parvovirus ở thủy cầm Palmivax (Merial), CNC Derzsy’s Live (Anivac-CNC) Kháng thể Derzsy (Sinder)

 

Một số biện pháp can thiệp bệnh: vì bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Mỗi khi có đàn gia cầm, thủy cầm bị mắc bệnh nghi ngờ do virus, người ta thường đưa những sản phẩm để nhằm nâng cao sức đề kháng, chống bội nhiễm vi khuẩn kế phát, kéo dài khả năng chống chịu bệnh của vật nuôi cho đến khi khỏi về triệu chứng lâm sàng. Bảng 2 trình bày thông tin tổng hợp thuốc và chế phẩm sinh học thường được áp dụng trong điều trị bệnh do virus gây ra ở gia cầm và thủy cầm

Bảng 2. Thuốc và chế phẩm sinh học dùng can thiệp bệnh do virus gây ra

STT Tên thuốc Thành phần chính Hãng sản xuất Tác dụng Liều dùng và liệu trình
1 Paracetamol 20% Paracetamol Nhiều hãng Hạ sốt, giảm viêm 1g/5kg thể trọng, trộn thức ăn 2 lần/ngày trong 3-5 ngày
2 Satosal 10% Butaphosphan

Vitamin B12

Sakan Tăng cường sinh lực và sức đề kháng Tiêm 0,3-0,5ml/con/ngày trong 2-7 ngày
3 Heparenol Sorbitol

Acetyl methionine

Choline chloride

Betain

Lysin HCl

Coophavet Tăng cường chức năng gan 1-2ml/lít nước uống, dùng 5-10 ngày
4 SuperLiv Liquid Xuyên tâm liên

Sâu đâu

Nam sâm

Cỏ mực

Cỏ xước

Diệp hạ châu

Lu lu đực

Cốt khí tía

Hồ hoàng liên

Nhà sản xuất: Ayurvet

Nhà phân phối: Apharma

Giải độc gan thận 0,5 – 1ml/lít nước uống hoặc 1ml/5kg thể trọng
5 Phosretic Ethanol acid beta-amino phosphoric

Benzoat sodium

Vitamin A

Vitamin K3

Vitamin E

Vitamin C

Coophavet Hỗ trợ công năng gan thận 1-2g/lít nước uống, dùng 3-5 ngày
6 Oresol Glucose

Natri clorua

Kali clorua

Natri bicarbonat

Nhiều hãng Bù nước, điện giải 1g/2-4 lít nước uống, dùng thay nước thường
7 Amox-Colis Amoxicillin

Colistin

Nhiều hãng Chống nhiễm khuẩn kế phát Thuốc trộn thức ăn. Dùng theo hướng dẫn của NSX
8 Amox-Clav Amoxicillin

Acid clavulanic

Nhiều hãng Chống nhiễm khuẩn kế phát Thuốc tiêm. Dùng theo hướng dẫn của NSX
9 Flo-Doxy Florphenicol

Doxycyclin

Nhiều hãng Chống nhiễm khuẩn kế phát Thuốc trộn thức ăn. Dùng theo hướng dẫn của NSX
10 TycolSal Tylosin

Colistin

Sakan Chống nhiễm khuẩn kế phát Thuốc tiêm. Liều dùng 0,2ml/1kg thể trọng
11 Tỏi Allicin Thực phẩm Chống virus Trộn thức ăn 1-2g/con. Dùng từ 3-5 ngày

 

  1. Quy trình can thiệp vào đàn gia cầm mắc bệnh do virus gây ra

3.1. Bước 1: cách ly và giãn đàn

Đàn gia cầm bệnh cần được cách ly và giãn mật độ nuôi. Những gia cầm yếu (xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng gồm: xù lông, lông xơ xác, đi lại chậm chạp sau đàn, chảy nước mắt, vảy mỏ, thở nhanh, thở ngáp, phân dính bết hậu môn) cần được tách ra một khu nuôi riêng và được coi là đàn yếu. Đàn khỏe cần được giãn mật độ đàn và chia lẻ thành nhiều ô chuồng nuôi khác nếu có điều kiện.

3.2. Bước 2: đối với chuồng trại

Vệ sinh cơ giới: quét dọn sạch sẽ rác, chất bẩn trong chuồng và quanh khu vực chuồng trại

Vệ sinh vật lý: dùng lửa gas đốt khu vực nền chuồng và đốt rác tồn đọng trước khi luân chuyển đàn sang.

Vệ sinh hóa học: dùng vôi bột rắc ngoài sẩn vườn, đặc biệt khu vực lối đi, cửa ra vào (200 g/m2). Để khử trùng nước, dùng Cloramin B pha với nước (10g bột cho 1 khối nước = 1000 lít), sau 2 tiếng mới sử dụng. Để phun khử trùng chuồng trại, cần pha Cloramin B với nồng độ 0,3 – 0,5% (3 – 5g pha với 1 lít nước), sau đó phun đều lên bề mặt chuồng trại, tường, vách… Liều lượng khoảng 250 lít dung dịch này phun cho 1.000m2 diện tích chuồng trại. Lưu ý thứ tự phun khử trùng là từ ngoài vào trong, từ trên trần đến vách tường rồi mới đến nền chuồng, lối đi; sau cùng mới phun khử trùng không khí chuồng nuôi.

3.3. Bước 3: đối với đàn yếu

Sử dụng thuốc tiêm Amox-Clav và Satosal để tiêm cho đàn yếu. Dùng Paracetamol và một trong những loại (SuperLiv hoặc Heparenol, Phosretic) trộn thức ăn hoặc nước uống ngày 2 lần. Oresol pha uống thay nước thường. Với những bệnh có kháng thể điều trị, có thể sử dụng kháng thể đưa theo phác đồ điều trị bệnh và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3.4. Bước 4: đối với đàn khoẻ

Sử dụng thuốc Amox-Colis (hoặc Flo-Doxy, TycolSal) cùng với Paracetamol, Heparenol hoặc Phosretic trộn thức ăn hoặc nước uống. Oresol cho uống thay nước thường từ 3-5 ngày.

3.5. Bước 5: những biện pháp dự phòng

Những bệnh mới nổi ở gia cầm trình bày trên đây đều là những bệnh không có thuốc đặc trị. Những giải pháp đưa ra đều tập trung vào xử lý triệu chứng, chống mầm bệnh kế phát và tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường nuôi. Do vậy, sau khi xử lý đàn, người nuôi cần phải đẩy mạnh công tác vệ sinh khử trùng trước khi muốn tái đàn mới. Có thể sử dụng vôi sống để tôi vôi ngay trên nền chuồng nuôi và rắc vôi sau khi tôi ra đất vườn. Thời gian để lưu không chuồng phải đạt tối thiểu 15 ngày. Đưa kháng thể và vắc xin vào đàn vật nuôi trong trường hợp chưa cho sản phẩm chính thức cũng có thể sử dụng nhưng chưa phải là giải pháp thực sự hiệu quả cho phòng bệnh ở thời điểm này.

Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm – Khoa Thú y

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *