• Home /
  • Tin tức
  • / Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Học viện với đại diện người học năm học 2024-2025

Khoa học công nghệ là sức sống của trường đại học

“Sử dụng chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đàn gà lớn nhanh hơn”

Đó là chia sẻ của ông Đặng Đức Đắc, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tùng Dương (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tại Hội nghị Khoa học công nghệ Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Công nghệ, sản phẩm tiêu biểu do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 18/5.

Ông Đắc cho biết, đưa các chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào chăn nuôi, điều dễ nhận thấy nhất là trại gà không còn mùi hôi, không khí rất sạch. Không những thế, đàn gà luôn khỏe mạnh, chất lượng thịt, trứng thơm ngon vì hợp tác xã đã dùng chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất.

“Tính theo chi phí đầu vào, sử dụng các chế phẩm vi sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong chăn nuôi giúp chúng tôi giảm được 20% chi phí, trung bình lợi nhuận tăng khoảng 20.000 – 25.000 đồng/con gà, chưa kể còn tăng lợi nhuận từ thịt trứng có chất lượng tốt hơn” – ông Đắc cho biết.

Được biết, chế phẩm vi sinh mà hợp tác xã của ông Đắc sử dụng chính là một trong những sản phẩm khoa học công nghệ của Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) có tên VNUA – Biotic, VNUA – Mios V và VNUA – Aqua.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Khoa học công nghệ là sức sống của trường đại học   - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và TS Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cố vấn cao cấp của Học viện khen thưởng các giảng viên có thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh, người chịu trách nhiệm triển khai đề tài nghiên cứu, VNUA – Biotic là sản phẩm bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, có tác dụng tăng hệ số tiêu hóa của vật nuôi giúp tiết kiệm thức ăn, giảm phát thải của vật nuôi. Trong khi đó, VNUA – Mios V là chế phẩm vi sinh dùng xử lý môi trường, khử mùi nền chuồng; VNUA – Aqua dùng trong xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

“Tính năng vượt trội của bộ sản phẩm này là giúp nâng cao hệ số tiêu hóa, tăng cường miễn dịch cho vật nuôi nên giảm được lượng thức ăn tiêu thụ mà vật nuôi vẫn khỏe mạnh, giúp nông dân giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh cho biết.

TS Hoàng Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh, hướng nghiên cứu của Viện là lấy người nông dân làm trung tâm để phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất, để các sản phẩm khoa học công nghệ lan tỏa sâu rộng và hỗ trợ nông dân tiếp cận với các tiến bộ mới.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Khoa học công nghệ là sức sống của trường đại học   - Ảnh 2.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh danh các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện. Ảnh: P.V

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu khoa học

Được biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đào tạo đại học rất chú trọng công tác nghiên cứu tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới, có tính ứng dụng cao, phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp – phát triển nông thôn, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao.

Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Học viện chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới công tác tổ chức, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, thành lập các nhóm nghiên cứu (36 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 nhóm nghiên cứu xuất sắc và 4 nhóm nghiên cứu tinh hoa) để tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu, mang tính đột phá để tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao và tăng cường công bố quốc tế.

Đặc biệt, Học viện thành lập các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nguồn khoa học công nghệ Spin off.  Đến nay, Học viện có 14 khoa chuyên môn, 10 viện nghiên cứu và 11 trung tâm; 2 bệnh viện, 6 Spin off…

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Khoa học công nghệ là sức sống của trường đại học   - Ảnh 3.

Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu đang bảo tồn và lưu giữ hơn 200 chủng, giống nấm ăn, nấm dược liệu quý của Việt Nam và trên thế giới. Ảnh: P.V

Đơn cử như Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu hiện là nơi hỗ trợ đào tạo trình độ đại học chuyên ngành nấm ăn nấm dược liệu; nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ, phát triển nguồn gen nấm ăn, nấm dược liệu; nuôi trồng, chuyển giao công nghệ nuôi trồng các loài nấm ăn và nấm dược liệu

Đến thời điểm hiện tại viện đã bảo tồn và lưu giữ hơn 200 chủng, giống nấm ăn, nấm dược liệu quý của Việt Nam và trên thế giới.

Trong những năm qua, Viện đã nghiên cứu chọn tạo và tiến hành công nhận giống và  và quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng nhiều loại nấm ăn, nấm dược liệu mới có giá trị cao như nấm linh chi, vân chi, đầu khỉ, đông trùng hạ thảo, nấm sò…

Trong khi đó, mặc dù mới được thành lập năm 2021 nhưng được sự quan tâm rất lớn từ Ban giám đốc Học viện, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu đã từng bước ổn định tổ chức và đã bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển các giống cây dược liệu bản địa (lan thạch hộc, lan kim tuyến nhung, hoa tiên, thảo quả, tam thất) cũng như nhập nội một số giống tiềm năng (sâm Ấn Độ, đàn hương Ấn Độ, đương quy Trung Quốc, đẳng sâm Trung Quốc)…

Ngoài ra viện cũng đã sản xuất các giống như lan kim tuyến, lan thạch hộc, đàn hương Ấn Độ siêu chuẩn giống sẵn sàng cho các đơn vị làm giống và tạo vùng nguyên liệu.

Phát biểu tại Hội nghị Khoa học công nghệ Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Công nghệ, sản phẩm tiêu biểu, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện đã đạt được thành tích đáng khích lệ, số lượng đề tài tăng. Số lượng các tiến bộ kỹ thuật/bằng sáng chế/giải pháp hữu ích tăng mạnh, đặc biệt là các công bố quốc tế (tăng 10%).

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Khoa học công nghệ là sức sống của trường đại học   - Ảnh 3.

Các sản phẩm phục vụ chăn nuôi của Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: P.V

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, khoa học và công nghệ là sức sống của trường đại học, có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức, trường đại học trong việc phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho nền kinh tế trí thức càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, trong những năm qua, Học viện đã chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Khoa học công nghệ là sức sống của trường đại học   - Ảnh 4.

Phong trào nghiên cứu khoa học được các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hưởng ứng. Ảnh: P.V

Học viện đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đạt được một số kết quả quan trọng như: tăng số lượng đề tài, dự án khoa học công nghệ nhờ vào tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tiếp cận trình độ quốc tế và đã những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

“Tôi mong muốn các nhà khoa học, các thầy cô giáo sẽ nỗ lực, tập trung hơn nữa trong nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ thiết thực cho xã hội, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của Học viện” – GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Ban Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã vinh danh khen thưởng 34 giải thưởng của tập thể, cá nhân là cán bộ, giảng viên và sinh viên của Học viện. 46 cá nhân và 11 nhóm tác giả được vinh danh khen thưởng có thành tích trong công bố khoa tại các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/scopus; đấu thầu thành công các đề tài cấp Bộ và tương đương trở lên và tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng được công nhận cấp quốc gia.