Vào chiều ngày 23/9/2024, từ 14h đến 17h, tại phòng 405, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức chuỗi seminar chuyên đề nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025. Buổi seminar có sự tham gia của các giảng viên, nghiên cứu viên của khoa và do PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng chủ trì.
TS. Nguyễn Hữu Nhuần và TS. Nguyễn Thị Lý, Nhóm Nghiên cứu mạnh Liên Kết Kinh tế và Phát triển thị trường đã trình bày bài, với chủ đề “Tổng quan Hướng dẫn của ASEAN về Nông nghiệp bền vững”, đã cung cấp những nguyên tắc và khuyến nghị từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về phát triển nông nghiệp bền vững. Nội dung này góp phần định hướng các hoạt động nông nghiệp tại Việt Nam theo tiêu chuẩn bền vững khu vực, hướng đến xây dựng thị trường carbon ở Việt Nam – là một phần quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Hữu Nhuần trình bày seminar cùng với sự tham gia của các giảng viên, sinh viên Khoa Kinh tế và PTNT |
Hướng dẫn của ASEAN về Nông nghiệp bền vững, được thông qua vào ngày 25/10/2022 tại cuộc họp AMAF lần thứ 44, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững trong khu vực. Hướng dẫn này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp có trách nhiệm. Nông nghiệp bền vững có khả năng đóng góp vào nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, bao gồm xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, hành động về khí hậu, và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Năm nguyên tắc chính của nông nghiệp bền vững bao gồm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo tồn và tăng cường hệ sinh thái, bảo vệ và cải thiện sinh kế nông thôn, tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng và hệ sinh thái, và thúc đẩy quản trị tốt. Một số chiến lược chính gồm cải thiện sức khỏe đất, giảm phân bón hóa học, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp thông minh và kết nối nông dân với thị trường.
Những đóng góp của nông nghiệp bền vững cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc |
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy định hướng phát triển thị trường carbon ở Việt Nam gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của ASEAN, tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ thị trường carbon, bao gồm Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, điều chỉnh các hoạt động phát thải và tạo cơ sở cho thị trường carbon. Nghị định 06/2022/NĐ-CP cũng đã đưa ra các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, tạo nền tảng pháp lý để thúc đẩy thị trường này.
Việt Nam cũng đã triển khai Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và carbon thấp với mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP nông nghiệp 2,5-3%/năm và bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học. Việc phát triển thị trường carbon và nông nghiệp sinh thái góp phần giảm phát thải thông qua canh tác hữu cơ và năng lượng tái tạo, đồng thời tạo cơ hội kinh tế thông qua bán tín chỉ carbon. Phát triển thị trường carbon không chỉ giúp Việt Nam giảm lượng phát thải mà còn tạo cơ hội thu nhập mới cho các doanh nghiệp và nông dân thông qua việc bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, những thách thức như chi phí đầu tư cao và quản lý cơ sở hạ tầng còn yếu vẫn là trở ngại, nhưng thị trường carbon mang lại cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Những cơ hộ và thách thúc đổi với phát triển nông nghiệp sinh thái và thị trường carbon ở Việt Nam |
Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ trong đó có phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn. Trước tiên, cần chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp và giao thông. Đồng thời, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, trồng rừng, và phát triển giao thông xanh cùng hạ tầng xe điện. Việc ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo sẽ giúp giám sát và giảm phát thải hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần huy động tài chính cho các dự án xanh và hoàn thiện chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảm phát thải.
Nguyễn Thị Lý – Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường