Hôm nay, 8/5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chính thức ra mắt Viện Sinh vật cảnh, một dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của Học viện, đồng hành cùng xu thế phát triển của xã hội và ngành nghề nông thôn Việt Nam.
Đón “sóng” thị trường hoa – cây cảnh 45.000 tỷ đồng
Sự kiện ra mắt Viện Sinh vật cảnh là một trong những hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện “Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tổ chức từ ngày 5/5 đến ngày 18/5/2025.
Tại Lễ ra mắt, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng lãnh đạo Học viện đã trao quyết định thành lập Viện Sinh vật cảnh cũng như tặng hoa chúc mừng ban giám đốc viện.
Phát biểu tại Lễ ra mắt Viện Sinh vật cảnh, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, việc ra mắt Viện Sinh vật cảnh là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của Học viện, đồng hành cùng xu thế phát triển của xã hội và ngành nghề nông thôn Việt Nam.
![]() |
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao quyết định thành lập Viện Sinh vật cảnh cho ban giám đốc viện. |
Theo PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, ngành hoa cây cảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một lĩnh vực kinh tế có tiềm năng lớn, đóng góp đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện đời sống người dân.
Những năm gần đây, nhiều vùng chuyên canh sản xuất hoa, cây cảnh quy mô lớn được hình thành, năng suất, chất lượng, hiệu quả của các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh được cải thiện nhờ ứng dụng khoa học công nghệ.
Với diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt gần 45.000ha vào năm 2024, tăng gấp 8 lần so với năm 2000, giá trị sản lượng ngành cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hoa đã vượt mốc 100 triệu USD… Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành hoa cây cảnh khu vực và quốc tế.
![]() |
PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, việc ra mắt Viện Sinh vật cảnh là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của Học viện. |
“Việc thành lập Viện Sinh vật cảnh không chỉ xuất phát từ định hướng phát triển nội tại của Học viện, mà còn gắn với xu thế phát triển chung của xã hội. Trong những năm qua, sinh vật cảnh đã không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn dần khẳng định là một ngành kinh tế năng động, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Sinh vật cảnh còn là biểu tượng văn hóa, là sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật, sinh thái và kinh tế”, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngay từ năm 2007, Học viện đã tiên phong mở ngành đào tạo Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, định hướng nghề nghiệp rõ ràng với chương trình được xây dựng dựa trên tư vấn của các chuyên gia Hà Lan, trong khuôn khổ Dự án PROFED hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Hiệp hội các trường Đại học ứng dụng Hà Lan.
Đến nay, sau 18 khóa đào tạo, chương trình đã có hơn 750 sinh viên tốt nghiệp, nhiều người đang giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ; đảm nhận vai trò là nhà quản lý, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, chủ trang trại, hoặc khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cảnh quan đô thị và sinh vật cảnh.
![]() |
PGS.TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng lãnh đạo Viện Sinh vật cảnh cùng đánh giá một cây cảnh có giá trị. |
![]() |
Viện Sinh vật cảnh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) sẽ ưu tiên nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. |
“Viện Sinh vật cảnh được kỳ vọng sẽ trở thành địa chỉ uy tín trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tư vấn chính sách và hỗ trợ phát triển sinh vật cảnh một cách chuyên nghiệp. Viện cũng sẽ là cầu nối hiệu quả giữa Học viện và các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động hội thảo, tập huấn, triển lãm, xây dựng sàn thương mại điện tử, góp phần xây dựng một hệ sinh thái sinh vật cảnh hiện đại, năng động và hội nhập”, PGS.TS Vũ Ngọc Huyên khẳng định.
Viện Sinh vật cảnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam ưu tiên những nhiệm vụ gì?
Nói về chức năng, nhiệm vụ cũng như chức năng nhiệm vụ của Viện Sinh vật cảnh, TS. Nguyễn Mai Thơm, Giám đốc Viện Sinh vật cảnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc thành lập Viện Sinh vật cảnh nhằm mục đích tạo cơ hội cho các hội sinh vật cảnh, các làng nghề, câu lạc bộ, nghệ nhân sinh vật cảnh trong cả nước có kết nối, liên kết khoa học công nghệ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghệ thuật, nâng cao tay nghề, nhằm tạo ra nhiều tác phẩm sinh vật cảnh có giá trị; mở rộng thị trường giao thương.
![]() |
Toàn cảnh lễ ra mắt Viện Sinh vật cảnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. |
Viện cũng sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sinh vật cảnh; nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tư vấn, hỗ trợ hình thành và gắn kết doanh nghiệp khoa học công nghệ; tư vấn kiến trúc phong cảnh và cảnh quan; thu thập, bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cảnh gồm thực vật, động vật, sinh vật thủy sinh, tĩnh vật cảnh…
Viện Sinh vật cảnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 7 bộ phận, gồm: Bộ phận Hoa cây cảnh, Động vật cảnh, Thủy sản cảnh, Tĩnh vật cảnh, Sinh vật cảnh thủy sinh, Phòng Thị trường, đào tạo và chuyển giao, Phòng Hành chính – Kế toán.
https://danviet.vn/