Đồng Văn Hiếu1, Trần Thị Hương Giang1, Amonpun Rattanasrisomporn2, Oumaporn Rungsuriyawiboon2, Witsanu Rapichai2, Jatuporn Rattanasrisomporn2
1 Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2 Trường Đại học Kasetsart, Thái Lan
Tính cấp thiết: Trên toàn thế giới, Norovirus ở người ước tính gây ra khoảng 685 triệu trường hợp viêm dạ dày ruột và là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính, khoảng 200 triệu trường hợp được báo cáo ở trẻ nhỏ (<5 tuổi), dẫn đến 50.000 trẻ em tử vong hàng năm chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp (CDC, 2011). Tuy nhiên, nhiễm norovirus vẫn là gánh nặng ở các nước có thu nhập cao. Việc phát hiện Norovirus ở động vật đang được quan tâm, cụ thể sự hiện diện của các hạt norovirus trong phân lợn được ghi nhận ở Nhật Bản từ năm 1977. Kể từ đó cho đến nay đã có một số nghiên cứu điều tra sự hiện diện của norovirus ở lợn trên khắp thế giới đã được báo cáo. Chủng PNoV được cho rằng có liên quan chặt chẽ về di truyền với chủng norovirus gây bệnh ở người. Bên cạnh đó, chủng norovirus gây bệnh ở người có thể nhân lên và gây ra đáp ứng miễn dịch trong cơ thể lợn. Điều này chỉ ra rằng lợn có thể đóng vai trò là ổ chứa của những chủng norovirus gây bệnh ở người.
Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu này nhằm xác định đặc điểm sinh học phân tử của một số chủng PNoV ở lợn năm 2022-2023.
Phương pháp nghiên cứu: Trong nghiên cứu này, tổng cộng 102 mẫu phân từ lợn có biểu hiện tiêu chảy đã được thu thập ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023. Phương pháp Polymerase chain reaction đã được sử dụng để chẩn đoán porcine norovirus (PNoV) trong phân lợn thu thập được. Mẫu dương tính sau đó được giải trình tự một phần gen mã hóa RNA-dependent RNA polymerase (RdRp).
Kết quả chính: virus đã được xác định trong 5 mẫu trong tổng ố 102 mẫu thu thập được, chiếm tỷ lệ 4,9%. Trong 20 trang trại được chọn, 5 (25%) trang trại có mẫu dương tính với PNoV. Kết quả phân tích trình tự gen cho thấy, tỷ lệ tương đồng nucleotide giữa 5 chủng PNoV trong nghiên cứu này dao động từ 99,14% đến 99,62%. Cây phả hệ được xây dựng dựa vào trình tự một phần gen RdRp cho thấy 5 chủng virus trong nghiên cứu này thuộc PNoV Genotype II.19 có mối quan hệ di truyền gần với các chủng virus được báo cáo ở Trung Quốc năm 2009.
Kết luận: Nghiên cứu này bước đầu đánh giá tỷ lệ dương tính theo mẫu với PNoV, mô tả đặc tính sinh học phân tử của virus dựa vào một phần gene RdRp cho thấy các chủng virus lưu hành có tỷ lệ tương đồng cao.

Từ khóa: Lợn, Đặc điểm sinh học phân tử, PCR, PNoV, Việt Nam
Link: 1-s2.0-S2405844024079775-main