HỘI THẢO VETERINARY MEDICINE AND ONE HEALTH PERSPECTIVE

 

Đại dịch COVID – 19 là đại dịch toàn cầu do virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS CoV-2) gây ra. Tác động của nó gây ảnh hưởng rất rộng đến xã hội nói chung, kinh tế, văn hóa, sinh thái, chính trị và nhiều lĩnh vực khác. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguồn gốc của bệnh xuất phát từ động vật lây nhiễm sang người, sau đó là lây nhiễm giữa người với người.

Như chúng ta đã biết, COVID-19 không phải là bệnh đầu tiên bắt nguồn từ động vật. Các bênh như Ebola, SARS, virus Zika và cúm gia cầm đều lây lan từ động vật sang người. Theo một báo cáo mới được công bố bởi Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), 60% các bệnh truyền nhiễm đã biết ở người và trong hơn 30 căn bệnh truyền nhiễm ở người mới xuất hiện trong 3 thập nhiên gần đây thì 75% có nguồn gốc từ động vật. Xu hướng của các bệnh lây truyền qua động vật đặc biệt do virus gây ra là không thể nào dự đoán trước được. Thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ với nhau, chính vì thế bất kỳ một dịch bệnh mới nổi ở một quốc gia đều có khả năng trở thành mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt khi dịch bệnh này có khả năng lây lan nhanh, có tỷ lệ tử vong cao, trong khi chưa có thuốc đặc trị và vacxin.

Chính vì vậy việc nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người là một việc vô cùng quan trọng. Đây là việc mà nhiều lĩnh vực khác nhau đều phải quan tâm như: y tế, thú y, nông nghiệp, môi trường, thương mại…. Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất thì cần phải đồng thời phối hợp các ngành lại với nhau thành một liên ngành được triển khai chặt chẽ.

Nhận thấy được vấn đề cấp thiết, nhằm muốn giúp ích cho công tác phòng chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người, trong khuôn khổ Hội thảo thường niên VANJ 2022 của Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản, Mạng lưới thú y trẻ Việt Nam cùng với Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đồng kết hợp mời các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như sức khỏe cộng động – sức khỏe động vật nhằm thảo luận về các chiến lược, chính sách và chương trình giáo dục giúp ngăn chặn bùng phát dịch bệnh từ động vật sang người trong tương lai với chuyên đề: “Lessons from COVID – 19, Veterinary Medicine and One Health perspective”.

Đến với phiên thảo luận, có sự tham gia của 4 diễn giả:

  • Giáo sư Motohiro HORIUCHI, Khoa Thú y, Đại học Hokkaido, Nhật Bản
  • Tiến sĩ Phạm Đức Phúc, Mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam, Việt Nam
  • Tiến sĩ Pawin Padungtod, FAO Vietnam, Thái Lan
  • Tiến sĩ Vito Colella, Đại học Melbourne, Úc

Cùng với đó là sự góp mặt của:

  • Chủ toạ: PGS. TS. Bùi Trần Anh Đào, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Host: Tiến sĩ Dương Đức Hiếu, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Đồng chủ trì: Tiến sĩ Nguyễn Vũ Sơn, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
  • Đồng chủ trì: Bạn Vương Tuấn Phong, Đại học Hokkaido, Nhật Bản
  • Điều phối: Bạn Công Hà My, Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, Nhật Bản

 

Đây là một chủ đề rất là hữu ích, mong các bạn quan tâm đến để có thể cập nhật kiến thức mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh truyền nhiễm thú y.

  • Thời gian phiên thảo luận: 13:30-15:00, ngày 26/11/2022 (Thứ 7)
  • Hình thức: Online trên nền tảng Zoom và On-site tại phòng Hội thảo khoa Thú y
  • Tham dự trực tiếp tại phòng Hội thảo khoa Thú y sẽ được cấp chứng chỉ tham dự
  • Link đăng ký tham dự: https://forms.gle/S7JbWuNWQfbhAJ1t9