Tiềm năng phát triển của ngành thú y

Chọn ngành học để sau này kiếm được việc làm là một trong những yếu tố mà sinh viên quan tâm. Ngành thú y cũng thuộc khối ngành y tế, tuy nhiên, Thú y lại là một nghề nhận được sự quan tâm ít hơn hẳn so với những ngành còn lại. Hầu hết các lý do đều xuất phát từ định kiến nghề của xã hội, nhiều người khi nhắc đến thú y chỉ nói là đi tiêm chó, tiêm lợn… mà điển hình là những quan niệm về đầu ra của ngành ví dụ như đi làm thú y vất vả lắm, con gái không hợp với ngành này đâu, làm thú y ít lương lắm.

Tuy nhiên theo các số liệu thống kê, ngành Thú y ở Việt Nam là một ngành vô cùng triển vọng trong thập kỷ tới. Tính đến năm 2020, khối ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp thiếu hụt đến 3,2 triệu nhân lực, trong đó, ngành Thú y gần như xuất hiện trong hầu hết các công tác ngành Nông-Lâm-Ngư.

Ngành Thú y (Veterinary Medicine) là ngành học đào tạo bác sĩ thú y chuyên chăm sóc và chữa bệnh cho thú nuôi. Ngành này đào tạo kỹ năng chuyên môn về thú y, chẩn đoán, phòng trị bệnh, các thao tác trong thí nghiệm về vật nuôi, nghiêm cứu các chủng vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho vật nuôi từ đó giúp phòng ngừa sang con người. Giúp người học biết sử dụng các loại thuốc, hóa chất, dược phẩm, vắc xin để phòng bệnh và điều trị cho chúng.

 

Hình ảnh đội ngũ cán bộ tại Bệnh viện thú y Việt Nam

 

Học ngành Thú y, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng như: Chẩn đoán bệnh thông thường, biết sử dụng một số dược phẩm, hóa chất, vaccine phòng trị bệnh cho động vật; xây dựng chương trình thú y cho trại chăn nuôi; nắm bắt luật thú y, thị trường thuốc, chăn nuôi… Ngoài ra, học thú y sẽ hiểu biết về một số lĩnh vực gần gũi, liên quan như chăn nuôi gia súc, chăn nuôi thú cảnh, trồng trọt, thủy sản,… cũng là điểm thú vị của ngành.Hiểu chuyên sâu về bệnh học (căn bệnh, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh chuyên biệt), về ngoại khoa và giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, kiểm tra các cơ sở giết mổ chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản….

Người học sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y có thể công tác trong các lĩnh vực sau:

– Hoạt động kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và dịch vụ KHKT về chăn nuôi, thú y;

– Hành nghề thú y (phòng mạch, điều trị tự do);

– Quản lý trang trại (kỹ thuật tại các trang trại chăn nuôi);

– Quản lý dịch bệnh động vật (cán bộ quản lý, kiểm dịch viên tại các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thú y);

– Khuyến nông (tư vấn, đào tạo, tập huấn về thú y);

– Nghiên cứu trong lĩnh vực thú y (viện nghiên cứu, trung tâm, công ty);

– Giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề;

– Các cơ quan tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án nghiên cứu trong và ngoài nước.

Người học thú y sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại cơ quan thú y (Cục Thú y, chi cục chăn nuôi thú y cấp tỉnh, chi cục thú y vùng, cơ quan quản lý về chăn nuôi thú y cấp huyện), các viện nghiên cứu về chăn nuôi thú y, các phòng mạch hoặc bệnh xá (hay bệnh viện) thú y, phòng xét nghiệm thú y, trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu, biên giới; cơ quan khuyến nông từ trung ương đến địa phương.

Đặc biệt là công tác tại các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc. Đây là khu vực thu hút số lượng đông sinh viên nhất khi ra trường trong nhiều năm gần đây và cũng có mức thu nhập khá cao khi làm việc ở khu vực này. Ngoài ra bác sỹ thú y còn có cơ hội làm việc tại các khu bảo tồn động vật hoang dã, vườn thú, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường, viện chuyên ngành. Bác sỹ thú y còn có thể cộng tác hay phối hợp nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thuốc với các hãng, cơ sở bào chế các hóa chất, thuốc, vaccine phòng bệnh. Bản thân bác sỹ thú y sau khi tốt nghiệp cũng có khả năng tự mở các hoạt động kinh doanh cá nhân vễ lĩnh vực chăn nuôi, thú y.

Sinh viên tốt nghiệp ngành thú y cũng có nhiều cơ hội làm việc tại nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, các nước Đông Nam Á… Ngoài ra cũng có nhiều cơ hội làm việc cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các dự án và chương trình quốc tế liên quan đến chăn nuôi, thú y và thủy sản.