Bật mí ngành học tiềm năng, cơ hội việc làm rộng mở

Giai đoạn nước rút chọn ngành chọn nghề Chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa sẽ kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề. Chia sẻ về lý do này, bạn Trần Thị Bích Ngọc – học sinh Trường THPT Hồng Thái (Hà Nội) cho biết – em lo sợ sau khi tốt nghiệp sẽ phải làm trái ngành trái nghề. “Ngành nghề em lựa chọn bây giờ sẽ trở thành công việc em gắn bó trong tương lai. Thời gian học đại học sẽ kéo dài 4 năm cũng như tiêu tốn rất nhiều chi phí liên quan. Vì vậy, em mong muốn tìm một ngành nghề có cơ hội việc làm rộng mở” – Bích Ngọc cho biết. Ưu tiên chọn ngành nghề có cơ hội việc làm, mức đãi ngộ cao cũng là tiêu chí được Nguyễn Thị Thùy – học sinh Trường THPT Đan Phượng đề ra. Tìm hiểu và có hứng thú với ngành Công nghệ sinh học nhưng Thùy vẫn cảm thấy khá băn khoăn. Nữ sinh cho biết: “Em thắc mắc về cơ hội nghề nghiệp của ngành cũng như các vị trí mà sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhận”. Ngành tiềm năng Công nghệ sinh học là ngành học nghiên cứu, vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật tạo ra sản phẩm. Những sản phẩm này được sản xuất ở quy mô công nghiệp nhằm phục vụ lợi ích của con người, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành. “Hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu hay ứng dụng đều cần sử dụng công nghệ sinh học như trồng trọt, chăn nuôi, chọn tạo giống, thú y, công nghệ thực phẩm. Có thể đánh giá công nghệ sinh học là ngành nền tảng cho nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành này rất rộng mở, có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm khác nhau. Cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên tại các cơ quan quản lý có liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học; kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực; chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; làm việc trong các phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm nghiệm. Đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học cũng có thể tự thân khởi nghiệp” – TS Hạnh nói.
v
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh ngành Công nghệ sinh học. Ảnh: Nhà trường
Chia sẻ thêm về chương trình giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS Hạnh cho biết, học viện tăng cường hợp tác với hơn 100 trường đại học, tổ chức trong nước và thế giới để cấp học bổng cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học được xây dựng dựa trên chương trình của các trường đại học quốc tế có uy tín trên thế giới như: Đại học California (Mỹ), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Kyushu (Hàn Quốc), Đại học Nông Nghiệp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Queensland (Úc), đồng thời tham vấn ý kiến của các bên liên quan (doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, chuyên gia, sinh viên…). Với chương trình học này, sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về sinh học; kiến thức chuyên sâu về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men vi sinh vật, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật ứng dụng, công nghệ sản xuất sinh dược phẩm và các lĩnh vực chuyên sâu về sinh học phân tử, di truyền phân tử, bệnh học phân tử. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm để phục vụ công tác học tập, nghiên cứu. Sinh viên ngành Công nghệ sinh học được học tập trong một môi trường năng động, chuyên nghiệp với cơ sở vật chất khang trang. Đặc biệt, sinh viên được học tập, nghiên cứu khoa học dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của các thầy, cô giáo được đào tạo bài bản tại nước ngoài, tâm huyết với giảng dạy và đam mê nghiên cứu khoa học.