GD&TĐ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ đồng hành cùng địa phương trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn với từng lĩnh vực và đặc trưng vùng miền.
Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Hội nghị đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.
Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Hội nghị được tổ chức ngày 20/4 tại tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện mà Học viện đã và đang tổ chức tại một số địa phương trên cả nước.
Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh THPT. Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Tuy vậy, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhìn nhận, về tổng thể, quy mô sản xuất nông nghiệp toàn vùng còn nhỏ lẻ. Đây chính là nguyên nhân căn bản đang kìm hãm việc áp dụng đồng bộ, đồng nhất các biện pháp khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến tạo ra chu trình khép kín, sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, làm cho năng suất lao động, hiệu quả kinh tế thấp, thiếu bền vững.
Ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang phát biểu tại Hội nghị. |
Để tiếp tục tạo ra sự phát triển giai đoạn tới, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, vấn đề tái cơ cấu kinh tế đang được đặt ra cho các cấp, các ngành trong vùng trên tất các các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó, khu vực nông thôn, nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng và đang là thế mạnh đặc trưng của vùng Đông Bắc.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề trên. Song, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh đến hai vấn đề lớn cần tập trung tháo gỡ:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung. Đồng thời, làm tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất. Qua đó, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển.
GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. |
“Đây cũng chính là nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, bà con nông dân, các thành phần kinh tế. Từ đó, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả” – GS.TS Nguyễn Thị Lan bày tỏ.
Nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn kết chặt chẽ với phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang – khẳng định, đây là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Từ đó, gia tăng giá trị, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Đồng thời, tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực, tăng nguồn kinh phí đầu tư, khuyến khích các tổ chức, các thành phần kinh tế, nhất là các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mặt khác, tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ những nhà quản lý có kỹ năng quản trị kinh doanh và thị trường nông sản. Hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ kỹ thuật viên phụ trách nông nghiệp ở các đơn vị cơ sở và lao động trực tiếp trong nông nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng địa phương trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gắn với từng lĩnh vực, vùng miền để gia tăng giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại diện các trường THPT cũng đề xuất Học viện có chính sách hỗ trợ học phí, học bổng cho học sinh khá, giỏi là con em các địa phương miền núi.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở KH&CN các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái đã ký kết hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học công nghệ cho các địa phương. |
Trao đổi về vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ, những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các trường THPT cũng là mong muốn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Qua đó, Học viện muốn góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, Học viện dự kiến có chương trình học bổng cho sinh viên thuộc nghèo vượt khó học giỏi. Ngoài ra, sẽ có chính sách hỗ trợ về chỗ ở trong ký túc xá, chi phí sinh hoạt cho sinh viên… Với những sinh viên giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ có học bổng doanh nghiệp và nhiều học bổng, chương trình hỗ trợ khác.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở KH&CN các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái đã ký kết hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học công nghệ cho các địa phương.
Viết của bạn không chỉ thông tin, mà còn truyền cảm hứng người đọc hành động.