• Home /
  • Tin tức
  • / Chung kết Cuộc thi Thanh niên với kiến thức pháp luật năm 2024

AN TOÀN PHÒNG THÍ NGHIỆM NGHIÊN CỨU VI SINH VẬT THÚ Y

AN TOÀN PHÒNG THÍ NGHIỆM NGHIÊN CỨU VI SINH VẬT THÚ Y

Bộ môn Vi sinh vật – Truyền nhiễm

 

Mục đích: cung cấp cho người đọc thông tin về an toàn sinh học của một phòng thí nghiệm nghiên cứu vi sinh vật giúp lựa chọn xây dựng, thiết kế phòng thí nghiệm phù hợp năng lực nghiên cứu.

An toàn sinh học (ATSH) phòng thí nghiệm (PTN): là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những nguyên tắc, kỹ thuật và thực hành cần thiết trong PTN để ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh (TNGB) lây nhiễm cho cán bộ PTN cũng như môi trường xung quanh.

TNGB trong PTN luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao cho cán bộ PTN cũng như môi trường xung quanh, vì vậy thực hành tốt ATSH PTN sẽ giúp cho cán bộ PTN cũng như môi trường xung quanh được an toàn, không bị lây nhiễm bởi TNGB.

Trên thế giới, rất nhiều trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm liên quan đến việc không đảm bảo ATSH trong PTN đã được ghi nhận. Ví dụ các ca bệnh đậu mùa xảy ra tình cờ ở Anh vào những năm 1970; Viêm não ngựa ở Venezuela năm 1995; Bệnh lở mồm long móng ở Anh năm 2007, được cho là có nguồn gốc từ PTN.

  • Một số yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều vi sinh vật (VSV) gây bệnh ở động vật có thể lây nhiễm sang người, vì vậy cán bộ làm việc trong PTN VSV cần được đào tạo và hướng dẫn tỉ mỉ về các phương pháp xử lý an toàn đối với những mẫu bệnh phẩm có chứa mầm bệnh được mang đến PTN. Việc quản lý PTN phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình ATSH PTN khi làm việc với các mẫu bệnh phẩm chứa TNGB nguy hiểm. Một PTN được quản lý và vận hành đúng quy trình ATSH PTN sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm TNGB từ mẫu bệnh phẩm cho cán bộ PTN cũng như lây nhiễm ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh cho gia súc và gia cầm. Khi chúng ta hiểu biết và kiểm soát được các yếu tố nguy cơ lây lan của mầm bệnh sẽ giúp ích cho công tác phòng chống dịch bệnh cho người cũng như cho động vật.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), VSV trong PTN được chia thành 4 nhóm nguy cơ theo mức tăng dần với sức khỏe của con người:

  • Nhóm 1: không có hoặc có nguy cơ thấp đối với cá thể hoặc cộng đồng

Là những chủng VSV không có khả năng gây bệnh cho người và động vật.

dụ: chủng vi khuẩn Bacillus subtilis

  • Nhóm 2: có nguy cơ trung bình đối với cá thể, thấp với cộng đồng

Là những chủng VSV có thể gây bệnh cho người hoặc động vật nhưng không có khả năng là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với cán bộ PTN, cộng đồng, vật nuôi hoặc môi trường xung quanh. Phơi nhiễm PTN có thể gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng, nhưng đã có sẵn các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả và nguy cơ lây lan nguồn bệnh được hạn chế.

Ví dụ: virus Newcastle chủng Lasota, virus cúm mùa type B

  • Nhóm 3: có nguy cơ cao đối với cá thể, thấp với cộng đồng

Là những chủng VSV có khả năng gây bệnh nặng cho người hoặc động vật nhưng thường không có khả năng truyền lây từ cá thể này sang cá thể khác. Đã có các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Ví dụ: virus Dại (Rabies virus); Equine encephalomyelitis virus (Eastern, Western and Venezuelan); Japanese B encephalitis virus; Louping ill virus.

Vi khuẩn: Bacillus anthracis; Burkholderia mallei (Pseudomonas mallei); Brucella spp.; Chlamydia psittaci (chủng gia cầm); Coxiella burnetti; Mycobacterium bovis

  • Nhóm 4: có nguy cơ cao đối với cá thể và với cộng đồng

Là những chủng VSV gây bệnh nặng ở người hoặc động vật, có thể truyền lây trực tiếp hoặc gián tiếp từ cá thể này sang cá thể khác. Không có các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

      Ví dụ: virus Ebola, MERS,

Điều quan trọng nhất của thực hành ATSH là đánh giá được nguy cơ của các chủng VSV. Người tiến hành đánh giá nguy cơ của các chủng VSV cần có kiến thức và hiểu biết đầy đủ về những đặc tính sinh học của từng chủng VSV, các trang thiết bị và cơ sở vật chất PTN sẵn có liên quan. Người phụ trách PTN hoặc người phụ trách ATSH PTN có trách nhiệm đảm bảo việc đánh giá mức độ nguy hiểm một cách đầy đủ và kịp thời những mẫu bệnh phẩm mang đến PTN để đảm bảo những thiết bị và phương tiện phù hợp phục vụ công tác xét nghiệm và nghiên cứu. Việc đánh giá nguy cơ cần được tiến hành định kỳ và bổ sung khi cần thiết để có thể xác định được cấp độ ATSH phù hợp, lựa chọn trang thiết bị cần thiết, sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân đúng, xây dựng quy trình chuẩn kết hợp với những biện pháp an toàn khác nhằm bảo đảm độ an toàn cao nhất trong công việc.

  • Nguyên tắc chung của một phòng thí nghiệm nghiên cứu vi sinh vật

PTN và trang thiết bị liên quan PTN được thiết kế ở các cấp độ ATSH khác nhau phụ thuộc vào nhóm nguy cơ VSV khác nhau. Thiết kế ở mức cơ bản – an toàn sinh học cấp 1 và 2; mức kiểm soát – an toàn sinh học cấp 3; mức kiểm soát tối đa – an toàn sinh học cấp 4.

Thiết kế các cấp độ ATSH cần dựa trên sự kết hợp nhiều yếu tố như  đặc điểm thiết kế, xây dựng, phương tiện ngăn chặn, trang thiết bị, thao tác thực hành và  quy trình vận hành cần thiết khi làm việc với  tác nhân từ các nhóm nguy cơ VSV khác nhau.

Các quốc gia (khu vực) cần đưa ra bảng phân loại cấp quốc gia về VSV theo nhóm nguy cơ có xem xét đến:

– Độc lực của chủng VSV;

– Phương thức lây truyền và phạm vi vật chủ của VSV. Những yếu tố này có thể bị ảnh hưởng bởi mức độ miễn dịch hiện có trong cộng đồng vật chủ theo địa phương, mật độ và sự di chuyển của vật chủ, sự có mặt của các vật chủ trung gian truyền bệnh thích hợp và tiêu chuẩn vệ sinh môi trường;

– Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẵn có tại địa phương, bao gồm tiêm chủng vacxin hoặc sử dụng kháng huyết thanh (miễn dịch thụ động); các biện pháp vệ sinh, ví dụ vệ sinh thực phẩm và nước uống; kiểm soát nguồn động vật hoặc vật chủ trung gian truyền bệnh là động vật chân đốt;

– Các biện pháp điều trị hiệu quả sẵn có tại địa phương, bao gồm miễn dịch thụ động (sử dụng kháng huyết thanh), tiêm chủng vacxin sau khi đã phơi nhiễm, sử dụng thuốc kháng khuẩn, thuốc kháng virus và hóa trị liệu. Các biện pháp cần xem xét tới khả năng xuất hiện của các chủng kháng thuốc.

Bảng 1.1. Mối liên quan giữa các nhóm nguy cơ với cấp độ, tiêu chuẩn thực hành và trang thiết bị an toàn sinh học

 

Nhóm nguy cơ Cấp độ an toàn sinh học Loại phòng thí nghiệm Tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm Trang thiết bị an toàn
1 Cơ bản- An toàn sinh học cấp 1 Nghiên cứu và giảng dạy cơ bản GMT Bàn thí nghiệm thông thường.
2 Cơ bản- An toàn sinh học cấp cấp 2 Phòng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; dịch vụ chẩn đoán; nghiên cứu GMT kết hợp với quần áo bảo hộ, biển báo nguy hiểm sinh học Bàn thí nghiệm kết hợp với BSC.
3 Kiểm soát – An toàn sinh học cấp 3 Phòng chẩn đoán đặc biệt; nghiên cứu Như an toàn sinh học cấp 2 kết hợp với quần áo bảo hộ đặc biệt, kiểm soát ra vào, kiểm soát luồng khí BSC và/hoặc các thiết bị nghiên cứu chính cho tất cả  hoạt động phòng thí nghiệm.
4 Kiểm soát tối đa – An toàn sinh học cấp 4 Phòng có tác nhân gây bệnh nguy hiểm Như an toàn sinh học cấp 3 kết hợp với cửa vào khóa khí, tắm trước khi ra, loại bỏ chất thải đặc biệt BSC cấp 3 hoặc BSC cấp 2 kết hợp với quần áo bảo hộ áp lực dương, nồi khử trùng 2 cửa, không khí được lọc.

Ghi chú: BSC (Biosafety Cabinet): tủ an toàn sinh học; GMT (Good Microbiological Techniques): các kỹ thuật vi sinh vật an toàn

Trong PTN, việc xác định một tác nhân thuộc cấp độ ATSH nào cần dựa trên đánh giá nhóm nguy cơ; sau khi xác định được nhóm nguy cơ sẽ lựa chọn cấp độ ATSH thích hợp. Ví dụ một tác nhân được xác định thuộc nhóm nguy cơ 2 thì để tiến hành công việc được an toàn, các trang thiết bị, phương tiện, tiêu chuẩn thực hành và quy trình kỹ thuật nói chung được yêu cầu ở cấp độ ATSH cấp 2. Tuy nhiên, có những thí nghiệm cụ thể yêu cầu tạo ra không khí có nồng độ cao thì cấp độ ATSH cấp 3 có thể thích hợp hơn để cung cấp mức độ an toàn cần thiết, đảm bảo kiểm soát tốt hơn không khí trong PTN. Do đó, cấp độ ATSH được chỉ định cho công việc cụ thể sẽ được thực hiện khi đã có đánh giá chuyên môn dựa trên đánh giá nguy cơ, thay vì tự động chỉ định mức độ ATSH trong PTN theo nhóm nguy cơ như đã quy định  chung. Vì vậy, để tiến hành công việc trong PTN một cách an toàn, việc xác định cấp độ ATSH cần xem xét đến chủng vi sinh vật (TNGB), trang thiết bị hiện có, các tiêu chuẩn thực hành về thiết bị và các quy trình kỹ thuật liên quan.

 

Bảng 1.2. Tóm tắt yêu cầu về trang thiết bị cho các cấp độ an toàn sinh học

 

  Cấp độ an toàn sinh hoc
1 2 3 4
Phòng thí nghiệm biệt lập a Không Không
Phòng thí nghiệm kín có thể khử trùng được Không Không
Thông khí        
–          Hướng khí vào Không Nên có
–          Hệ thống kiểm soát khí Không Nên có
–          Lọc khí thải qua màng lọc HEPA Không Không Có/Không b
Cửa vào 2 lớp Không Không
Cửa khóa khí Không Không Không
Phòng khóa khí có vòi tắm Không Không Không
Phòng chờ Không Không
Phòng chờ có vòi tắm Không Không Có/không c Không
Xử lý nước thải Không Không Có/không c
Nồi hấp khử trùng        
–          Tại chỗ Không Nên có
–          Trong phòng thí nghiệm Không Không Nên có
–          Hai cửa Không Không Nên có
Tủ an toàn sinh học Không Nên có
Khả năng giám sát an toàn cho nhân viên phòng thí nghiệm d Không Không Nên có

Ghi chú:

a Biệt lập về môi trường và chức năng với giao thông chung

b Tùy thuộc vào vị trí của khí thải

c Tùy thuộc vào tác nhân sử dụng trong phòng thí nghiệm

d Ví dụ như cửa sổ, hệ thống truyền hình, trao đổi hai chiều

 

1.1.2.1. Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 1

  1. a. Cơ sở vật chất

– Phòng thí nghiệm ATSH cấp 1 dùng để nghiên cứu, làm việc với các tác nhân sinh học thuộc nhóm nguy cơ 1. Tuy nhiên, khi một PTN được xây dựng ở các cấp độ ATSH khác nhau đều cần phải kết hợp giữa mục tiêu an toàn và quản lý, nên mặc dù một số yêu cầu có thể không cần thiết cho PTN VSV thuộc nhóm nguy cơ 1 (như biển báo nguy cơ sinh học) nhưng lại cần thiết cho mục đích đào tạo để tăng cường các kỹ thuật vi sinh vật tốt;

– Không gian PTN cần đủ rộng để thực hiện các công việc như: lau chùi, bảo dưỡng PTN và để các dụng cụ, vật tư cần thiết;

– Tường trần nhà và sàn nhà cần phải bằng phẳng, dễ lau chùi, không thấm nước và chất lỏng, chịu được hoá chất và chất diệt khuẩn thường dùng trong PTN; sàn nhà không trơn trượt;

– Mặt bàn thí nghiệm không thấm nước và chịu được chất khử khuẩn, axít, kiềm, dung môi hữu cơ và nhiệt;

– Ánh sáng PTN đủ cho các hoạt động, tránh ánh sáng phản chiếu hoặc quá chói;

– Đồ đạc cần chắc chắn;

– Cần có không gian ở giữa các thiết bị để dễ lau chùi;

– Tủ đựng quần áo thường và đồ dùng cá nhân, chỗ ăn uống và nghỉ ngơi phải bố trí bên ngoài PTN;

– Bồn rửa tay có vòi nước gần cửa ra vào. Bồn rửa nên thiết kế vòi nước phù hợp có thể mở bằng chân hoặc khuỷu tay, cùng với chất sát trùng lỏng để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua tay. Tay rửa xong nên được lau bằng giấy khô hoặc máy sấy;

– Cửa ra vào nên có ô kính trong suốt, có khả năng chịu nhiệt thích hợp và tự đóng;

– Có phương tiện cứu hoả, xử lý sự cố điện;

– Vòi rửa mắt khẩn cấp trong khu vực xét nghiệm;

– Hộp thuốc và dụng cụ sơ cứu ban đầu được trang bị thích hợp và sẵn sàng cho sử dụng;

– Nếu mở cửa sổ thì các cửa này phải có lưới chắn côn trùng;

– Có hệ thống cấp nước sạch, đường cấp nước trực tiếp cho PTN cần có van một chiều hoặc biện pháp phù hợp để tránh trào ngược, bảo vệ hệ thống nước công cộng;

– Có hệ thống điện ổn định và đầy đủ, tiếp đất toàn bộ hệ thống. Nên có máy phát điện dự phòng để hỗ trợ cho các trang thiết bị thiết yếu như tủ ấm, tủ lạnh,…

– Nếu có sử dụng động vật để xét nghiệm thì PTN và chuồng nhốt động vật cần phải quan tâm đến an toàn cháy nổ và an ninh. Cửa ra vào chắc chắn, cửa sổ có song và chìa khoá được quản lý chặt chẽ.

  1. b. Trang thiết bị trong phòng thí nghiệm

– Được thiết kế và lắp đặt để giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc giữa người làm xét nghiệm với các bệnh phẩm, dụng cụ nhiễm trùng;

– Các thiết bị xét nghiệm phù hợp với kỹ thuật và loại vi sinh vật được xét nghiệm;

– Thiết bị phải được kiểm tra, hiệu chuẩn hàng nằm hoặc định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất;

– Trang bị bảo hộ cá nhân phù hợp với các kỹ thuật xét nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm.

  1. Tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm

– Người làm việc với vi sinh vật gây bệnh đều phải tuân thủ nghiêm các quy trình ATSH. Nhân viên khi vào phòng cần được nhận thức về nguy cơ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định khi vào phòng, hiểu được các mức an toàn của buồng cấy vô trùng;

– Việc ra vào phòng thí nghiệm làm việc với mầm bệnh nguy hiểm nên hạn chế, không được tùy tiện. Quần áo bảo hộ như áo blouse phải được mặc khi làm việc trong phòng, nhưng không được mặc khi đến những nơi “sạch” như thư viện và phòng ăn;

– Cấm ăn, uống, hút thuốc, trang điểm, đeo hay tháo kính áp tròng trong phòng thí nghiệm;

– Cấm để đồ ăn, nước uống trong phòng thí nghiệm;

– Tuyệt đối cấm những thao tác bằng mồm khi sử dụng trang thiết bị PTN;

– Khi mẫu bệnh phẩm có mầm bệnh nguy cơ, nhân viên phòng phải đặc biệt lưu ý, đeo găng tay, khẩu trang, đeo kính hoặc phải có tấm kính che mặt;

– Bên cạnh đó, nhân viên cần phải trang bị kiến thức sử dụng thiết bị điện trong phòng, đề phòng cháy nổ,…

Một số biện pháp hạn chế yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến con người làm trong PTN vi sinh vật bao gồm:

– Đồ thủy tinh, quần áo bảo hộ sau khi dùng xong phải được để đúng nơi quy định trước khi đem đi tiệt trùng;

– Những đồ dùng lại cần được tiệt trùng theo đúng quy định, đồ bỏ đi cần được vận chuyển không làm rơi vãi ra ngoài;

– Cẩn thận khi sử dụng kim tiêm, dao hoặc những vật sắc nhọn… khi dùng xong phải đựng trong lọ không thủng và hấp tiệt trùng;

– Không nên dùng ống hút Pasteur thủy tinh vì dễ vỡ, thay vào đó là sử dụng các loại bằng chất liệu nhựa;

– Nên lựa chọn ống ly tâm phù hợp, đảm bảo cân bằng để tránh những sự cố đang tiếc xảy ra trong khi ly tâm;

– Khi nghiên cứu với động vật thí nghiệm, nên đeo găng tay da và mặc quần áo bảo hộ để tránh để bị đốt hoặc cào cắn;

– Một số trường hợp nhân viên phải được tiêm phòng một số loại vacxin như Dại, hoặc đi khám sức khỏe định kỳ với bệnh Sảy thai truyền nhiễm, lao.

1.1.2.2. Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2

  1. Cơ sở vật chất

Phải đáp ứng các tiêu chuẩn của PTN ATSH cấp 1 và các yêu cầu sau:

– Có biển báo nguy hiểm sinh học với biểu tượng quốc tế (BIOHAZARD) trên tất cả các cửa ra vào của PTN;

– Tử đựng quần áo và đồ dùng cá nhân cho nhân viên PTN phải đặt bên ngoài khu vực PTN;

– Nên lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp trong trường hợp có sự cố như mất điện để nghiên cứu viên có thể ra khỏi PTN một cách an toàn;

– Nên có phòng tắm có vòi hoa sen trong khu vực PTN để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

  1. Trang thiết bị đảm bảo an toàn sinh học

– Tủ ATSH cấp 2.

– Nồi hấp ướt (autoclave) hoặc các thiết bị tiệt trùng thích hợp khác trong khu vực xét nghiệm.

– Trang bị các loại túi, thùng đựng chất thải phù hợp theo quy định của Bộ Y tế.

– Nên sử dụng:

(a) Que cấy chuyển bằng nhựa dùng một lần. Nếu dùng que cấy bằng kim loại, vòng tròn ở đầu que cấy phải khép kín;

(b) Các loại chai, lọ và ống nghiệm có nắp xoáy;

(c) Sử dụng pipet và thiết bị hỗ trợ pipet.

Theo quy định của Bộ Y tế, tiêu chuẩn PTN chẩn đoán virus cúm A (H1N1) là phải đạt yêu cầu phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2 trở lên.

  1. Tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm

Nhân viên làm việc trong PTN ATSH cấp 2 cần thực hiện những tiêu chuẩn thực hành như PTN ATSH cấp 1, ngoài ra cần thực hiện thêm một số tiêu chuẩn thực hành sau:

  • Chỉ những người có trách nhiệm mới được phép ra vào PTN;
  • Cửa phòng thí nghiệm luôn ở trạng thái đóng;
  • Không cho phép trẻ em ra, vào PTN;
  • Nhân viên PTN phải mặc quần áo đồng phục PTN trong suốt quá trình làm việc tại PTN;
  • Phải đeo găng tay PTN trong quá trình làm thí nghiệm, thao tác với mẫu bệnh phẩm… Khi kết thúc thí nghiệm hoặc khi ra khỏi PTN thì găng tay phải được tháo đúng cách và sau đó phải rửa tay;
  • Luôn phải đeo kính, mặt nạ hoặc các thiết bị bảo hộ PTN khi tiến hành thí nghiệm với các tác nhân gây bệnh có nguy cơ bắn vào mặt, mắt;
  • Cấm mặc quần áo bảo hộ phòng thí nghiệm bên ngoài PTN như nhà ăn, văn phòng, thư viện, phòng nhân viên và phòng vệ sinh;
  • Không mang giày, dép hở mũi trong PTN;
  • Quần áo bảo hộ PTN sau khi mặc không được để chung với quần áo cá nhân mặc hàng ngày;
  • PTN phải ngăn nắp, sạch sẽ và chỉ để những gì cần thiết cho công việc;
  • Vào cuối mỗi ngày làm việc, bàn thí nghiệm, ghế, mặt sàn nhà phải được vệ sinh sạch sẽ;
  • Tất cả các vật liệu, mẫu bệnh phẩm, môi trường nuôi cấy nhiễm khuẩn đều phải được hấp tiệt trùng trước khi thải bỏ;
  • Tình trạng trang thiết bị máy móc PTN đều phải được ghi chép lại sau khi kết thúc thí nghiệm.

1.1.2.3. Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3

  1. Cơ sở vật chất

PTN ATSH cấp 3 cần đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế của PTN ATSH cấp 2 và các yêu cầu sau:

– Cách biệt với các phòng thí nghiệm khác, cách ly với khu vực có nhiều người qua lại;

– Có phòng đệm (anteroom) trước khi vào phòng thí nghiệm. Phòng đệm phải thiết kế chỉ mở được một cửa trong một thời điểm;

– Có cửa thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp;

– Phòng thí nghiệm phải bịt kín được để tiệt trùng. Hệ thống ống dẫn khí phải lắp đặt sao cho có thể tiệt trùng được;

– Cửa sổ phải đóng, kín khí và sử dụng vật liệu chống vỡ;

– Có phòng tắm cho nhân viên có cửa khóa khí và hai phòng thay đồ ngoài và trong;

– Trong khu vực PTN phải có phòng tắm có vòi hoa sen cho trường hợp khẩn cấp;

– Có đường đưa riêng các vật liệu, dụng cụ thí nghiệm, mẫu bệnh phẩm,… vào bên trong PTN thông qua phòng phun sương sát trùng, hoặc nồi hấp 2 cửa, hoặc qua tủ 2 cửa (Bassbox) có đèn cực tím, và nhân viên phòng thí nghiệm lấy đồ từ bên trong;

– Phải có hệ thống thông khí có kiểm soát để duy trì hướng luồng khí vào phòng thí nghiệm. Nên lắp đặt thiết bị kiểm soát để người làm xét nghiệm lúc nào cũng có thể biết chắc là luồng khí có hướng thích hợp vào PTN đang được duy trì;

– Hệ thống thông khí phải được lắp đặt sao cho không khí từ PTN không được hoàn lưu đến khu vực khác trong cùng toà nhà. Không xả trực tiếp không khí từ PTN ra ngoài;

– Hệ thống khí vào và khí ra của phòng thí nghiệm đều phải qua lọc HEPA;

– Hệ thống màng lọc HEPA phải được kiểm định hàng năm. Màng lọc phải được thiết kế cho phép khử khuẩn tại chỗ trước khi tháo và thay màng lọc mới;

– Có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, thông khí và điều hoà nhiệt độ (HVAC) để duy trì áp lực âm phù hợp trong PTN;

– Có hệ thống báo động để thông báo lỗi của hệ thống HVAC;

– Tất cả các bộ lọc không khí (bộ lọc HEPA) phải được lắp đặt thuận tiện cho việc tiệt trùng và kiểm tra các thông số cần thiết.;

– Nước thải lây nhiễm phải được tiệt trùng trước khi thải ra ngoài;

– Có hệ thống màn hình camera đặt bên ngoài PTN để kiểm soát tất cả các hoạt động bên trong PTN;

– Các quy trình thiết kế cơ sở hạ tầng và vận hành PTN ATSH cấp 3 phải được thể hiện bằng văn bản.

  1. Trang thiết bị đảm bảo an toàn sinh học

– Tủ ATSH cấp 2, lắp đặt tránh lối đi lại, cửa ra vào và các cửa cấp, thải khí;

– Nồi hấp tiệt trùng di động (autoclave) trong PTN;

– Nồi hấp hai cửa;

– Cần quan tâm đến tính an toàn của thiết bị, ví dụ như máy ly tâm cần có cốc đựng mẫu bệnh phẩm, rôto an toàn;

– Quần áo bảo hộ PTN phải là những loại quần áo đặc biệt: loại kín phía trước, áo dài có độ bao phủ hoàn toàn, quần áo có thể cọ rửa, có che đầu, khi cần có thể có giày kín mũi. Không nên sử dụng quần áo cài khuy phía trước và tay áo không phủ hết cánh tay;

– Phương tiện thông tin liên lạc thông thường và trong trường hợp khẩn cấp phải được thiết lập giữa nhân viên làm việc trong PTN và nhân viên hỗ trợ bên ngoài PTN.

  1. Tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm

Nhân viên làm việc trong PTN ATSH cấp 3 cần thực hiện những tiêu chuẩn thực hành như PTN ATSH cấp 2, ngoài ra cần thực hiện thêm một số tiêu chuẩn thực hành sau:

  • Mọi hoạt động trong PTN đều phải được ghi chép lại theo biểu mẫu quy định của PTN;
  • Tất cả các vật liệu, dụng cụ thí nghiệm, mẫu bệnh phẩm,… khi đưa vào bên trong PTN phải được kiểm soát và đưa qua phòng phun sương sát trùng, hoặc nồi hấp 2 cửa, hoặc qua tủ 2 cửa (Bassbox) có đèn cực tím, và nhân viên PTN lấy đồ từ bên trong;
  • Nhân viên phải thay toàn bộ quần áo, giày dép, kính và tắm trước khi vào PTN;
  • Tất cả các thao tác thí nghiệm với mẫu bệnh phẩm vi sinh vật có khả năng lấy nhiễm đều phải được thực hiện trong tủ ATSH cấp 2 hoặc các thiết bị ngăn chặn khác;
  • Các dụng cụ PTN có nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật trong quá trình thí nghiệm cần phải được tiệt trùng ngay trong tủ ATSH hoặc các thiết bị ngăn chặn khác trước khi rửa để hấp/sấy tái sử dụng lại hoặc loại bỏ;
  • Quần áo PTN phải được khử khuẩn trước khi mang ra ngoài.

1.1.2.4. Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4

  1. Cơ sở vật chất

PTN ATSH cấp 4 được thiết kế để làm việc với các chủng vi sinh vật thuộc nhóm nguy cơ 4. PTN ATSH cấp 4 cần đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế của PTN ATSH cấp 3 và các yêu cầu sau:

  • Có phòng tắm bên trong PTN để khử khuẩn quần áo bảo hộ lao động khi nhân viên rời khỏi khu vực thí nghiệm;
  • Trong PTN, khu vực làm việc phải có các dây cung cấp khí để nối với bộ quần áo bảo hộ đặc biệt cho nhân viên PTN khi làm việc;
  • Có hệ thống cấp khí sạch không tuần hoàn và độc lập và có khả năng cung cấp thêm 100% lượng khí sạch trong trường hợp khẩn cấp;
  • Có hệ thống cảnh báo lắp đặt bên trong và bên ngoài PTN thông tin về hệ thống khí cung cấp cho PTN.
  • Áp lực âm phải được duy trì trong PTN.
  1. Trang thiết bị đảm bảo an toàn sinh học

Trang thiết bị cho PTN ATSH cấp 4 giống như trang thiết bị cho PTN ATSH cấp 3 và các yêu cầu sau:

  • Tủ ATSH cấp 3;
  • Khí cấp cho ATSH cấp 3 có thể lấy từ PTN thông qua hệ thống màng lọc HEPA lắp trên tủ hoặc trực tiếp thông qua hệ thống cung cấp khí của PTN;
  • Tủ phải luôn hoạt động ở áp lực âm đối với môi trường xung quanh PTN.
  1. Tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm

Nhân viên làm việc trong PTN ATSH cấp 4 cần thực hiện những tiêu chuẩn thực hành như PTN ATSH cấp 3, ngoài ra cần thực hiện thêm một số tiêu chuẩn thực hành sau:

  • Áp dụng quy tắc làm việc 2 người, do đó không cá nhân nào được vào phòng làm việc một mình;
  • Nhân viên khi làm việc trong PTN phải mặc quần áo bảo hộ đặc biệt kín cơ thể có nối với thiết bị hô hấp riêng biệt, áp lực dương và có bộ lọc HEPA;
  • Nhân viên phải được đào tạo về các quy trình cấp cứu cơ bản trong trường hợp có người bị chấn thương hoặc đau ốm;
  • Tất cả các thao tác thí nghiệm với mẫu bệnh phẩm vi sinh vật có khả năng lây nhiễm cao đều phải được thực hiện trong tủ ATSH cấp 3 hoặc các thiết bị ngăn chặn khác.

1.1.3. An toàn hóa học, lửa, điện, bức xạ và trang thiết bị

Người làm việc trong PTN VSV không những bị phơi nhiễm VSV gây bệnh mà còn có khả năng nhiễm các loại hóa chất. Họ phải có những kiến thức cần thiết về tính độc của những loại hoá chất này, kiểu tiếp xúc và những mối nguy hiểm có thể xảy ra khi sử dụng và bảo quản. Dữ liệu an toàn nguyên vật liệu hay thông tin về các hoá chất nguy hiểm đều được các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp đưa ra. Các PTN có sử dụng hóa chất nguy hiểm cần tìm hiểu những thông tin này.

Tất cả thiết bị điện và hệ thống đường dây điện cần tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về an toàn điện quốc gia. Việc kiểm tra thường xuyên tất cả các thiết bị điện, kể cả hệ thống nối đất là rất cần thiết. Ngoài ra, cần lắp đặt đường dây điện, ổ cắm phải cao hơn nền PTN khoảng 40 cm, không gần chỗ có vòi nước. Mỗi PTN cần có cầu dao, cầu chì hay aptomat để có thể cắt điện khi cần thiết.

1.1.4. Xử lý sự cố trong phòng thí nghiệm

Có nhiều sự cố có thể xảy ra trong PTN. Những sự cố này có thể do sai sót trong thao tác của người làm xét nghiệm như bị tràn đổ dung dịch chứa TNGB, bị vật sắc nhọn đâm vào tay chân khi làm việc với TNGB hay sự cố do mất điện, thiên tai, hỏa hoạn,… Cán bộ xét nghiệm phải được cảnh báo về các sự cố có thể xảy ra và được hướng dẫn xử lý các sự cố. Các hướng dẫn cụ thể sẽ được đề cập trong khóa huấn luyện về ATSH. Nguyên tắc xử lý trong trường hợp xảy ra sự cố như sau:

–   Xử lý tại chỗ theo đúng quy trình;

–   Ghi chép lại sự cố, biện pháp xử lý đã thực hiện;

–   Báo cáo người phụ trách PTN về sự cố này.

1.1.4.1. Sự cố bị vật sắc nhọn đâm vào tay trong khi làm việc với TNGB

–   Báo với đồng nghiệp làm việc gần đó (nếu có);

–   Bộc lộ vết thương;

–   Nhẹ nhàng nặn máu (chú ý không làm tổn thương tổ chức mô);

–   Xả nước tối thiểu trong vòng 5 phút (trong khi vẫn nặn máu);

–   Sử dụng băng gạc để che vết thương;

–   Rời khỏi PTN;

–   Ghi chép và báo cáo sự việc với người chịu trách nhiệm quản lý PTN.

1.1.4.2. Sự cố làm đổ dung dịch chứa TNGB trong tủ ATSH

Trong các PTN nên chuẩn bị trước hộp dụng cụ xử lý đánh đổ dung dịch có chứa TNGB. Trong hộp này cần có dung dịch khử nhiễm, giấy thấm, panh, kẹp, túi đựng chất thải lây nhiễm, trang bị bảo hộ cá nhân phù hợp. Các dụng cụ này phải làm bằng các vật liệu không bị ăn mòn bởi các hóa chất trong PTN.

Khi đánh đổ dung dịch chứa TNGB trong tủ ATSH, người làm xét nghiệm không được tắt tủ và tiến hành các bước sau:

–   Báo với đồng nghiệp đang làm việc gần đó (nếu có);

–   Để cho tủ hoạt động 10 phút trước khi tiến hành các biện pháp xử lý đảm bảo cho tất cả các khí dung đã được lọc qua màng lọc HEPA của tủ;

–   Thay găng tay sạch và đi lấy bộ xử lý sự cố đổ mẫu;

–   Dùng giấy thấm phủ lên dung dịch bị đổ, đổ hóa chất khử trùng (dung dịch Bleach pha loãng 10 lần hoặc NaClO 0,5%), để khoảng 30 phút cho chất khử trùng phát huy tác dụng;

–   Thu nhặt vật sắc nhọn (nếu có) bằng kẹp bỏ vào hộp đựng vật sắc nhọn;

–   Dùng kẹp thu nhặt giấy thấm cho vào túi đựng chất thải lây nhiễm để tiệt trùng;

–   Lau bề mặt làm việc của tủ ATSH;

–   Kết thúc quá trình xử lý;

–   Sau khi kết thúc xét nghiệm và ra khỏi PTN, phải ghi chép, báo cáo sự việc với người phụ trách ATSH và người quản lý PTN.

1.1.4.3. Sự cố đổ dung dịch chứa TNGB lên sàn nhà hoặc bàn xét nghiệm

Khi đánh đổ dung dịch chứa TNGB lên sàn nhà hoặc mặt bàn xét nghiệm, cán bộ xét nghiệm cần tiến hành các bước xử lý như sau:

–   Ngay lập tức cảnh báo cho đồng nghiệp đang làm việc trong cùng PTN;

–   Thay găng tay sạch và quần áo bảo hộ nếu dung dịch chứa TNGB bắn lên quần áo;

–   Nhặt các vật sắc nhọn nếu có bằng kẹp;

–   Phủ giấy thấm lên toàn bộ bề mặt có dung dịch bị đổ theo trình tự từ ngoài vào trong;

–   Đổ hóa chất khử trùng (dung dịch Bleach pha loãng 10 lần hoặc NaClO 0,5%) lên chỗ đã được phủ giấy thấm theo chiều từ ngoài vào trong;

–   Đợi 30 phút;

–   Thu giấy thấm và tất cả các vật dụng lây nhiễm cho vào tủi đựng rác thải để tiệt trùng;

–   Lau sạch khu vực bị đổ, vỡ;

–   Kết thúc quá trình xử lý;

–   Sau khi kết thúc quá trình xét nghiệm, ra ngoài, ghi chép và báo cáo người phụ trách PTN về sự cố và các biện pháp xử lý đã được tiến hành.